Việt Nam đứng thứ 6 Đông Nam Á về số lượng triệu phú tài sản ròng cao
Theo báo cáo The Wealth Report 2025 do Knight Frank – tổ chức nghiên cứu bất động sản và tài sản toàn cầu công bố, số lượng cá nhân sở hữu từ 10 triệu USD trở lên (không bao gồm bất động sản nhà ở), còn gọi là HNWI (High-net-worth individuals), đã tăng 4,4% trên toàn cầu trong năm 2024.
Mỹ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với hơn 905.400 người thuộc nhóm HNWI, chiếm gần 39% tổng số cá nhân siêu giàu toàn cầu. Trung Quốc theo sau với khoảng 471.600 người, còn Nhật Bản đứng thứ ba với hơn 122.000 cá nhân.
Châu Á hiện là khu vực có tốc độ gia tăng HNWI nhanh nhất thế giới, với mức tăng trung bình khoảng 5% trong năm qua.
Tại Việt Nam, số người sở hữu tài sản ròng từ 10 triệu USD đạt khoảng 5.459 người, tương đương 0,2% tổng số HNWI toàn cầu. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng thứ 6 sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam từng ghi nhận mức tăng trưởng HNWI từ 5% đến 18% mỗi năm – một trong những mức cao nhất thế giới. Giai đoạn hậu đại dịch, tốc độ này đã ổn định lại trong khoảng 2,4% đến 5% mỗi năm.
Knight Frank cũng định nghĩa “cá nhân siêu giàu” là những người sở hữu tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên. Dự báo đến năm 2028, Việt Nam sẽ có khoảng 978 cá nhân nằm trong nhóm này – tăng 30% so với năm 2023.
Xu hướng đầu tư toàn cầu và sự nổi lên của thị trường Việt Nam
The Wealth Report 2025 đã mang đến một bức tranh toàn cảnh về tài sản cá nhân và xu hướng đầu tư toàn cầu, với trọng tâm là sự dịch chuyển chiến lược của các nhà đầu tư tư nhân và văn phòng quản lý tài sản gia đình (family offices). Báo cáo phân tích chi tiết cả thị trường bất động sản thương mại và nhà ở, phản ánh hành vi đang thay đổi của giới đầu tư toàn cầu.
Theo công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank, có tới 44% các family offices trên thế giới đang lên kế hoạch tăng tỷ trọng đầu tư vào bất động sản trong vòng 18 tháng tới. Điều này cho thấy niềm tin ngày càng gia tăng vào bất động sản như một kênh đầu tư ổn định dài hạn – đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang chịu nhiều biến động từ lãi suất.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá bất động sản cao cấp tại các thành phố lớn ghi nhận mức tăng trung bình 3,2%. Dù thấp hơn mức trung bình 10 năm là 4,6%, con số này chỉ giảm nhẹ so với năm trước, cho thấy khu vực đang dần thích nghi với môi trường lãi suất cao và duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Việt Nam: Điểm sáng mới của thị trường bất động sản cao cấp
Đáng chú ý, Knight Frank đã xếp Việt Nam vào nhóm các thị trường bất động sản cao cấp đang nổi bật tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh các quốc gia như Nhật Bản (Tokyo), Singapore và Malaysia. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đang tìm kiếm cơ hội mở rộng danh mục tại các thị trường mới nổi giàu tiềm năng.
Theo một báo cáo từ McKinsey & Company, trong giai đoạn 2011 – 2021, tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm của cải tại Việt Nam đạt tới 15% – cao hơn nhiều so với mức 7% của các nước láng giềng trong khu vực. Dự báo đến năm 2027, thị trường tài sản tài chính cá nhân (Personal Financial Assets – PFA) của Việt Nam sẽ đạt quy mô khoảng 600 tỷ USD. Quá trình tích lũy tài sản nhanh chóng này đang thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ quản lý tài sản và tư vấn đầu tư chuyên sâu.
Bên cạnh đó, theo báo cáo công bố năm 2024 của New World Wealth (Nam Phi) phối hợp cùng Henley & Partners (Thụy Sĩ), Việt Nam hiện có khoảng 19.400 triệu phú USD và 58 cá nhân sở hữu trên 100 triệu USD tài sản. Trong vòng 10 năm (2013 – 2023), số lượng triệu phú đô la của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi – đạt mức tăng trưởng ấn tượng 98%.
Hiện tại, theo thống kê từ Forbes (tính đến ngày 4/4/2025), Việt Nam đang có 4 tỷ phú USD gồm:
-
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup
-
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch VietJet
-
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát
-
Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank
Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp siêu giàu không chỉ thể hiện sức bật của nền kinh tế Việt Nam mà còn mở ra không gian lớn cho thị trường quản lý tài sản và các dịch vụ đầu tư cá nhân chuyên biệt.