Xu hướng sưu tầm hộ chiếu của giới tỷ phú Mỹ

Lê Anh Triết

Những người giàu có nước Mỹ đang chú trọng xây dựng “danh mục hộ chiếu” (passport porfolio), được xem như bộ sưu tập quốc tịch thứ hai, thậm chí thứ ba hoặc thứ tư như một biện pháp để phòng ngừa rủi ro…

5639cbc9ded1708f29c0-1713513287.jpg

Theo báo cáo mới nhất từ công ty luật Henley & Partners, ngày càng có nhiều hộ gia đình giàu có ở Mỹ đang nộp đơn xin cấp quốc tịch thứ hai, thứ ba hoặc thường trú nhân quốc gia như một cách để phòng ngừa rủi ro tài chính cho chính họ.

Dominic Volek, người đứng đầu bộ phận khách hàng tư nhân tại Henley & Partners cho biết: “Mỹ là một quốc gia tuyệt vời và vẫn sở hữu một tấm hộ chiếu tuyệt vời. Nhưng nếu tôi giàu có, tôi muốn phòng ngừa các mức độ biến động và sự không chắc chắn. Ý tưởng đa dạng hóa luôn được các cá nhân giàu có hiểu rõ. Thật phí hoài khi chỉ giữ một quốc tịch trong khi họ nắm trong tay khả năng đa dạng hóa hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống”.

Có ba lý do chính cho sự gia tăng xu hướng “danh mục hộ chiếu” (passport porfolio) ở Mỹ, hay còn gọi là “đa dạng hóa nơi cư trú”. Một hộ chiếu thay thế giúp việc đi lại của người Mỹ dễ dàng hơn khi đến những nơi ít thân thiện với Mỹ.

Báo cáo của Henley lưu ý, đối với các công dân Mỹ, Anh và Israel đột nhiên cảm thấy không chắc chắn về việc được chào đón ở nước ngoài, thì hộ chiếu bổ sung mang lại sự linh hoạt cần thiết cho họ. Và trước tình hình bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, việc giữ quyền công dân ở một quốc gia khác, đặc biệt là một quốc gia được coi như trung lập hơn hoặc ôn hòa hơn về mặt chính trị, mang lại một lựa chọn dự phòng hoặc thay thế rất có giá trị.

Một lý do khác là việc đi công tác ở một số quốc, khi mà việc không nắm giữ hộ chiếu Mỹ có thể an toàn và ít bị chú ý hơn. Cũng theo báo cáo, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có thể trở thành mục tiêu của sự phẫn nộ, bắt giữ con tin hoặc khủng bố ngẫu nhiên.

Sử dụng hộ chiếu phụ cũng có thể hỗ trợ việc chuyển tiền hoặc giao dịch tài chính xuyên biên giới ở quốc gia mới.

Lý do cuối cùng, một số người Mỹ giàu có đơn giản là muốn một nơi cư trú dự phòng để nghỉ hưu, để gần gũi hơn với gia đình của họ ở nước ngoài…

“Tất cả chúng ta đều đang sống trong thời điểm không chắc chắn, không chỉ ở Mỹ mà ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vấn đề thực sự là không chỉ cần tới Kế hoạch B mà còn cả Kế hoạch C và D”, ông Dominic Volek nhận xét.

Những cái tên nổi bật nhất trong thời gian gần đây đã tham gia vào xu hướng xây dựng “danh mục hộ chiếu” gồm có nhà đầu tư công nghệ tỷ phú Peter Thiel, người đã thêm quốc tịch ở New Zealand và cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, người đã nộp đơn xin quốc tịch ở Đảo Síp.

Theo Henley & Partners, những điểm đến hàng đầu của người Mỹ là Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp và Ý. Chương trình “Thị thực vàng” của Bồ Đào Nha đặc biệt phổ biến vì nó cung cấp cơ hội cư trú và quyền công dân – với quyền du lịch miễn thị thực ở châu Âu – để đổi lấy khoản đầu tư 500.000 euro (khoảng 541.000 USD) vào các quỹ hoặc vốn cổ phần tư nhân. Malta cung cấp Visa Vàng chỉ với 300.000 Euro đầu tư vào bất động sản, điều mà ông Dominic Volek lưu ý rằng đã trở nên đặc biệt phổ biến với người Mỹ.

“Với Malta, bạn sẽ trở thành công dân Châu Âu, có toàn quyền định cư ở khắp Châu Âu. Vì vậy, bạn có thể sống ở Đức, con cái của bạn có thể đến học ở Pháp và bạn có thể di chuyển, làm việc và đầu tư tự do trong khu vực”, ông Volek nhấn mạnh.

screenshot-2024-04-11-at-104732-5942-1713513328.png

Số lượng triệu phú, tỷ phú di cư trong năm 2023 và 2024 được dự đoán vượt qua mốc trước đại dịch

Tất nhiên, những người giàu có đó không ồ ạt thu dọn hành lý và từ bỏ quốc tịch Mỹ. Trong khi chỉ có một số lượng tương đối nhỏ người Mỹ từ bỏ quyền công dân của họ hàng năm để chuyển đến hẳn một quốc gia mới, thì cái gọi là “thuế xuất cảnh” (exit tax) để từ bỏ quyền công dân khiến hầu hết mọi người đều quan ngại, ngoại trừ những người cực kỳ giàu có.

Thay vào đó, nhiều người Mỹ giàu có chọn cách tiếp cận một chương trình thị thực hoặc quyền công dân bổ sung, để duy trì song song với quốc tích chính của mình.

Trên toàn cầu, lượng triệu phú di cư dự kiến sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024, khi chiến tranh, quy định mới và bất ổn chính trị khiến nhiều các cư dân giàu có hơn phải tìm cách di cư sang các quốc gia khác. Ước tính có khoảng 128.000 triệu phú được dự báo sẽ chuyển đến một đất nước mới trong năm nay, tăng từ 120.000 vào năm 2023 và tăng từ 51.000 vào năm 2013.

Trong đó, Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu của các triệu phú nước ngoài, với 2.200 triệu phú vào năm 2023 và 3.500 vào năm 2024. Trung Quốc vẫn là nơi các triệu phú di cư nhiều nhất, mất đi 13.500 triệu phú vào năm ngoái.