5 thói quen cản bước người trung lưu trên con đường chinh phục sự giàu có

Chi tiêu vượt mức, mê tận hưởng mà không cân nhắc, cùng với việc gánh nhiều khoản nợ xấu… sẽ cản trở con đường làm giàu của bạn.

634e95e82bc2e-1742808206.webp

Nhiều người đặt mục tiêu tích lũy tài sản, nhưng hành trình đạt được thành công tài chính thường đòi hỏi việc từ bỏ những thói quen cản trở bạn tiến lên. Theo Steve Burns, chuyên gia tài chính người Mỹ và nhà sáng lập New Trader U, có năm thói quen bạn nên tránh để mở đường cho sự giàu có.

1. Chi tiêu vượt khả năng

Một trong những rào cản lớn nhất cho việc xây dựng tài sản chính là thói quen tiêu xài nhiều hơn thu nhập, điều này thường thể hiện qua lối sống "leo thang" khi mức lương tăng. Thay vì dành dụm hoặc đầu tư, bạn có thể bị cuốn vào việc nâng cấp xe cộ, chuyển sang ngôi nhà lớn hơn hay sắm sửa những món đồ xa xỉ, dẫn đến tài sản dần hao hụt và khiến bạn mắc kẹt trong vòng xoáy chi tiêu.

Để khắc phục, hãy học cách sống trong phạm vi tài chính của mình. Không nhất thiết phải từ bỏ mọi thú vui, nhưng bạn nên cẩn trọng hơn trong quyết định chi tiêu. Khi có thêm thu nhập từ thưởng hay cổ tức, đừng vội nâng cấp lối sống. Thay vào đó, hãy dành phần lớn khoản tiền đó cho tiết kiệm và đầu tư. Ngay cả khi tài chính cá nhân được cải thiện, việc duy trì mức sống hiện tại sẽ giúp bạn tích lũy được khoản dự phòng và tạo ra sự ổn định lâu dài.

2. Chỉ dựa vào một nguồn thu nhập

Phụ thuộc vào một công việc chính làm nguồn thu nhập duy nhất là điều rủi ro, đặc biệt khi đối mặt với những biến động kinh tế hay thay đổi đột ngột trong công việc. Để bảo vệ bản thân trước những tình huống bất ngờ, việc đa dạng hóa nguồn thu là cần thiết.

Bạn có thể cân nhắc kiếm thêm từ các công việc làm thêm, đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản cho thuê. Việc tạo ra nhiều dòng tiền không chỉ giúp bạn gia tăng thu nhập mà còn tạo ra mạng lưới an toàn tài chính. Nếu chẳng may mất đi một nguồn thu, bạn vẫn có những phương án khác để duy trì sự ổn định và tiếp tục tích lũy tài sản.

istock-538015533-1742808600.jpg

3. Thiếu kiến thức tài chính

Kiến thức về tài chính là nền tảng để đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc quản lý tiền bạc. Việc thiếu hiểu biết sẽ khiến bạn dễ mắc sai lầm trong tiết kiệm và đầu tư, từ đó kìm hãm khả năng làm giàu.

Bạn có thể cải thiện điều này bằng cách học hỏi từ sách vở, các khóa học trực tuyến, podcast tài chính hoặc tham gia những buổi hội thảo. Việc nắm vững các khái niệm như quản lý rủi ro, chiến lược đầu tư dài hạn hay tối ưu hóa thuế sẽ trang bị cho bạn những công cụ cần thiết để kiểm soát tài chính và mở rộng cơ hội làm giàu.

4. Chìm trong nợ nần

Nợ tiêu dùng, đặc biệt là nợ thẻ tín dụng với lãi suất cao, có thể nhanh chóng đẩy bạn vào vòng xoáy tài chính khó thoát. Việc liên tục trả lãi sẽ làm cạn kiệt nguồn lực tài chính, ngăn bạn đầu tư cho tương lai.

Để tránh rơi vào bẫy nợ xấu, điều quan trọng là bạn cần chi tiêu hợp lý và sử dụng tín dụng một cách có trách nhiệm. Nếu đã có nợ, hãy ưu tiên thanh toán các khoản có lãi suất cao trước, sau đó tiếp tục xử lý các khoản nợ còn lại. Những chiến lược như "tuyết lở nợ" sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình nhanh hơn và từng bước xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.

1-1742808606.jpg

5. Ưu tiên tạo ra giá trị hơn là chỉ tiêu dùng

Việc chú trọng quá mức vào tiêu dùng có thể khiến nhiều người trung lưu khó tích lũy của cải. Lối sống này thường thể hiện qua việc chi tiền cho những món đồ hay trải nghiệm mang lại niềm vui tức thời nhưng thiếu giá trị lâu dài.

Tận hưởng cuộc sống là điều chính đáng, nhưng nếu cứ mải mê chi tiêu mà không nghĩ đến việc tạo ra giá trị, con đường làm giàu sẽ trở nên xa vời. Để thay đổi, hãy thử điều chỉnh góc nhìn: từ tiêu dùng sang sản xuất.

Điều này có nghĩa là bạn nên ưu tiên những hoạt động hoặc khoản đầu tư mang lại lợi ích bền vững và cơ hội gia tăng thu nhập. Thay vì dành tiền cho chiếc điện thoại đời mới nhất hay những bữa ăn xa hoa, hãy đầu tư vào việc phát triển bản thân, học hỏi kỹ năng mới để nâng cao năng lực kiếm tiền.

Hãy tìm kiếm các cơ hội giúp bạn thăng tiến trong công việc, hoặc khởi động một dự án nhỏ, xây dựng nguồn thu nhập thụ động. Khi bạn dành thời gian và công sức cho những việc tạo ra giá trị lâu dài, khả năng tích lũy tài sản sẽ tăng lên đáng kể.

Thay đổi tư duy không đồng nghĩa với việc phải từ bỏ những niềm vui nhỏ bé, mà là học cách cân bằng và sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan.