Siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga bị nghi ngờ là công cụ gián điệp tại Anh

Một số chuyên gia an ninh cho rằng, các du thuyền cỡ lớn thuộc sở hữu của giới tài phiệt Nga có thể được tận dụng như nền tảng cơ động để triển khai hệ thống giám sát dưới nước.
 
 - Ảnh 1.

Anh phát hiện thiết bị tình nghi do thám từ Nga trong lãnh hải

Hải quân Hoàng gia Anh gần đây đã phát hiện một loạt thiết bị cảm biến được cho là có nguồn gốc từ Nga trong vùng lãnh hải của mình. Giới chức quốc phòng nghi ngờ những thiết bị này được thiết kế để theo dõi các tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân của Anh. Thông tin này được đăng tải trên tờ The Sunday Times, dựa trên kết quả của một cuộc điều tra quy mô lớn, có trích dẫn dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Anh.

Không chỉ dừng lại ở các thiết bị cảm biến, chính phủ Anh còn nghi ngờ rằng một số siêu du thuyền thuộc sở hữu của các tỷ phú Nga, cùng với những phương tiện không người lái, có thể đang âm thầm tiếp cận các tuyến cáp thông tin dưới biển – một hạ tầng trọng yếu – với mục đích phục vụ hoạt động gián điệp.

Cuộc điều tra của Sunday Times được tiến hành dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các quan chức quân đội cấp cao, cựu chỉ huy quân sự và nhiều chuyên gia an ninh. Phóng viên cũng đã trực tiếp khảo sát tàu RFA Proteus – một tàu chuyên dụng cho các hoạt động biển sâu, hiện đang được Hải quân Anh sử dụng cho một số nhiệm vụ đặc biệt.

Nguồn tin cho biết, căng thẳng hiện nay trên biển giữa Anh và Nga gợi lại ký ức về cuộc đua công nghệ thời Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở mức độ tinh vi và bí mật cao hơn của các công nghệ hiện đại – thứ có thể đe dọa trực tiếp đến cơ sở hạ tầng an ninh của nước Anh.

Một số thiết bị cảm biến đã trôi dạt vào bờ và bị lực lượng quân đội thu giữ. Trong những năm gần đây, các tàu quét mìn của Hải quân Anh cũng liên tục phát hiện thêm nhiều thiết bị tương tự.

Sự tồn tại của những cảm biến này từng được giữ kín trong một thời gian dài, cho thấy mức độ nhạy cảm cũng như tầm quan trọng của chúng đối với an ninh quốc gia. Nỗi lo ngại tại London ngày càng gia tăng, khi nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là một phần của mạng lưới giám sát nhằm theo dõi hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân Anh.

 - Ảnh 2.

Sự nghi ngờ đang tập trung vào các siêu du thuyền sang trọng của các nhà tài phiệt Nga.

Gần đây, dư luận quốc tế bắt đầu đặt dấu hỏi về sự hiện diện thường xuyên của những siêu du thuyền thuộc sở hữu các tài phiệt Nga tại các khu vực có ý nghĩa chiến lược – nơi tập trung những tuyến cáp ngầm quan trọng và là đường đi qua của tàu quân sự.

Chính quyền Anh xem đây là một phần của "mối đe dọa hỗn hợp" từ phía Nga. Bộ Quốc phòng Anh không loại trừ khả năng các du thuyền xa hoa, vốn được cho là phục vụ mục đích nghỉ dưỡng, thực chất lại là vỏ bọc cho các hoạt động tình báo.

Nhờ được trang bị công nghệ hiện đại, những tàu này có thể âm thầm triển khai cảm biến hoặc phóng thiết bị ngầm không người lái mà không gây chú ý, bởi về mặt hình thức, chúng vẫn là tàu dân sự thông thường.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi quan hệ giữa Anh và Nga ngày một căng thẳng. Vào tháng 4/2025, London đã siết chặt kiểm soát hàng hải, đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra tại khu vực Biển Bắc và Đại Tây Dương. Trong vòng 3 tháng qua, Hải quân Hoàng gia đã ghi nhận ít nhất 5 trường hợp tàu nước ngoài có hành vi khả nghi gần những hạ tầng trọng yếu. Đáng chú ý, hồi tháng 3, một tàu tuần tra đã chặn được một thiết bị không người lái không rõ nguồn gốc gần quần đảo Orkney – nơi đóng vai trò then chốt trong việc kết nối cáp internet giữa châu Âu và Bắc Mỹ.

Dù chưa có bằng chứng trực tiếp chỉ ra sự liên quan của Nga, Bộ Quốc phòng Anh vẫn nghiêng về nhận định đây có thể là một phần trong chiến lược phối hợp quy mô lớn.

Không chần chừ, chính phủ Anh đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Đầu tháng 4, họ công bố khoản đầu tư bổ sung trị giá 150 triệu bảng để nâng cấp hệ thống giám sát dưới mặt nước. Dự án bao gồm việc mua thêm tàu quét mìn hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực của các tàu như RFA Proteus trong việc phát hiện và xử lý các mối đe dọa tiềm ẩn.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông John Healey, khẳng định nước này sẽ không để "lãnh hải bị xâm phạm" và cam kết sẽ phản ứng cứng rắn trước bất kỳ hành vi nào đe dọa đến an ninh quốc gia. Đồng thời, London cũng kêu gọi các đồng minh trong NATO tăng cường tuần tra chung tại khu vực Đại Tây Dương, trước những dấu hiệu cho thấy hoạt động của Nga tại đây đang gia tăng.

Về phía Moskva, chính quyền Nga hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các cáo buộc từ London có thể là một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm gây sức ép lên Nga trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang.