"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp người thường 14 lần ở một điểm đặc biệt

Không chỉ mang giá trị đắt đỏ và nội thất xa hoa bậc nhất, những "biệt thự trên không" của giới tỷ phú Mỹ còn ẩn chứa một bí mật ít ai ngờ tới!

Dấu chân carbon của giới siêu giàu: Gánh nặng môi trường khổng lồ

Theo số liệu từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cứ mỗi sáu chuyến bay cất cánh thì lại có một chuyến thuộc về những chiếc máy bay phản lực tư nhân. Con số này không chỉ phản ánh sự xa xỉ tột bậc, mà còn là hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng khí hậu ngày càng trầm trọng.

Việc các tỷ phú tận hưởng sự tiện nghi trên "những căn biệt thự bay" của họ đã vô tình tạo ra một tác động môi trường không hề cân xứng. Chỉ chiếm 1% dân số thế giới, nhưng giới siêu giàu lại góp phần không nhỏ vào lượng khí thải khổng lồ từ những chiếc phản lực hạng sang.

Trên thực tế, máy bay phản lực tư nhân gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn nhiều so với các chuyến bay thương mại. Đây được xem là một trong những phương tiện giao thông có lượng khí thải cao nhất tính theo quãng đường di chuyển trên mỗi hành khách.

Liên đoàn Giao thông và Môi trường Châu Âu (EFTE) đã chỉ ra rằng, máy bay phản lực tư nhân thải ra lượng khí CO2 cao gấp 5-14 lần mỗi hành khách so với các chuyến bay thương mại thông thường. Nếu so sánh với tàu hỏa, con số này thậm chí còn cao hơn tới 50 lần.

Theo thống kê từ Greenpeace, chỉ trong ba năm qua, các chuyến bay phản lực tư nhân đã thải ra 5,3 triệu tấn CO2 — một con số tương đương, hoặc thậm chí vượt qua lượng khí thải hàng năm của một quốc gia như Uganda.

Đáng kinh ngạc hơn, một số mẫu máy bay phản lực tư nhân có thể thải ra tới 2 tấn CO2 mỗi giờ. Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển, mức phát thải trung bình của một người trong cả năm chỉ rơi vào khoảng 8,2 tấn CO2.

Trước thực trạng này, Carboncredits ngày 20/1/2025 đã công bố danh sách những CEO và tỷ phú người Mỹ thường xuyên sử dụng máy bay phản lực tư nhân, đồng thời ghi nhận dấu chân carbon khổng lồ mà họ để lại trong bầu khí quyển.

Eric Schmidt Lấy ví dụ điển hình là Eric Schmidt, cựu CEO của Google. Thói quen di chuyển bằng máy bay riêng của ông đã phơi bày một thực tế đáng báo động về sự bền vững môi trường trong giới siêu giàu.

"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp 14 lần người thường ở một điểm - Ảnh 1.

Một chiếc Gulfstream G650 mới có giá khoảng 69,5 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Aircharterserviceusa

Vào năm 2024, chiếc Gulfstream G650 (số đuôi N652WE) của Schmidt đã thực hiện 493 chuyến bay, đi được 985.848 km. Tương đương với việc bay vòng quanh thế giới hơn 24 lần. Các chuyến bay của ông đã tiêu thụ 735.790 gallon nhiên liệu (1 gallon bằng 3,78 lít), thải ra 7.355 tấn CO2.

Elon Musk

Elon Musk, người đứng sau Tesla và SpaceX, là một nhân vật đầy mâu thuẫn. Ông nhiệt tình thúc đẩy các giải pháp xanh như xe điện và năng lượng mặt trời để bảo vệ môi trường, nhưng đồng thời lại thường xuyên sử dụng máy bay phản lực riêng, hành động dường như đối lập với những giá trị bền vững mà ông theo đuổi.

"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp 14 lần người thường ở một điểm - Ảnh 2.

Nội thất xa xỉ của một "biệt thự trên không" Gulfstream G650 trị giá hàng chục triệu đô. Ảnh: Gulfstream Aerospace

Năm 2024, chiếc Gulfstream G650 mang số hiệu N628TS đã thực hiện 320 chuyến bay, chinh phục quãng đường 742.214 km. Hành trình này ngốn hết 528.340 gallon nhiên liệu, kéo theo lượng khí thải CO2 lên tới 5.279 tấn.

Bill Gates

Vốn nổi danh là nhà từ thiện hàng đầu và tích cực trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu, Bill Gates lại gây tranh cãi khi thường xuyên dùng phi cơ riêng. Trong năm đó, chiếc Gulfstream G650 số hiệu N887WM của Gates đã thực hiện 273 chuyến bay, vượt quãng đường 700.615 km, tiêu tụ 478.920 gallon nhiên liệu và thải ra 4.787 tấn CO2.

Mark Zuckerberg

Giàu có và thực tế, CEO Meta Mark Zuckerberg sở hữu không chỉ siêu du thuyền mà còn một chiếc Gulfstream G650ER trị giá 68 triệu USD. Dù Zuckerberg đã cấm các hoạt động theo dõi phi cơ riêng trên nền tảng của mình, nhưng mỗi chuyến bay của Zuckerberg luôn được theo dõi sát sao.

"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp 14 lần người thường ở một điểm - Ảnh 3.

Dòng máy bay Gulfstream G650ER đi vào hoạt động năm 2014. Ảnh: Skies Magazine

Chỉ trong vỏn vẹn hai ngày, chiếc phản lực cơ của ông đã thực hiện hai chuyến khứ hồi từ California đến Hawaii, ngốn tới 2.328 gallon nhiên liệu cho mỗi lượt và đẩy gần 70 tấn CO2 vào bầu khí quyển — con số tương đương với lượng khí thải mà một chiếc ô tô thải ra trong suốt 15 năm.

Jeff Bezos

Đội bay phản lực cá nhân của nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, ngày càng mở rộng, phản ánh rõ nét lối sống xa hoa, trái ngược hoàn toàn với cam kết phát triển bền vững mà Amazon theo đuổi.

Mới đây, ông tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập của mình một chiếc Gulfstream G650ER trị giá 80 triệu USD. Riêng đội máy bay của Bezos đã thải ra khoảng 2.908 tấn CO2 mỗi năm — con số khổng lồ vượt xa lượng khí thải mà hai nhân viên Amazon thải ra trong cả cuộc đời họ.

"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp 14 lần người thường ở một điểm - Ảnh 4.

Chiếc Gulfstream G650ER trị giá 80 triệu đô la Mỹ của tỷ phú công nghệ Jeff Bezos. Ảnh: Youtube

Tháng 11/2024, chiếc máy bay phản lực của ông khởi hành từ Sân bay Teterboro (TEB) ở New Jersey, Mỹ, vượt qua quãng đường gần 1.770 km chỉ trong hai giờ. Hành trình này tiêu tốn khoảng 920 gallon nhiên liệu và thải ra hơn 9 tấn khí thải vào bầu khí quyển.

Trong cùng khoảng thời gian, chiếc phản lực cơ của Larry Ellison, CEO Oracle, cất cánh từ Sân bay quốc tế Palm Beach (PBI) ở West Palm Beach, Florida, Mỹ. Dù chỉ bay hơn 65 km trong khoảng một giờ, nó đã đốt cháy 456 gallon nhiên liệu, giải phóng gần 4 tấn khí thải ra môi trường.

"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp 14 lần người thường ở một điểm - Ảnh 5.

Ảnh: Carbon Credits

Tháng 1/2025, chuyến bay này gây chú ý hơn bao giờ hết. Chiếc chuyên cơ riêng cất cánh từ Sân bay Santa Paula (SZP) ở California, Mỹ, lướt qua bầu trời xuyên lục địa để hạ cánh tại Sân bay quốc tế Palm Beach (PBI) ở Florida. Hành trình dài 3.862 km diễn ra trong gần bốn giờ đồng hồ, tiêu tốn khoảng 2.000 gallon nhiên liệu và thải ra tới 21 tấn CO2, con số không hề nhỏ cho một chuyến bay cá nhân.

"Biệt thự trên không" của giới siêu giàu Mỹ: Gấp 14 lần người thường ở một điểm - Ảnh 6.

Sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là một trong những cách giúp hàng không thân thiện với môi trường hơn. Ảnh: Phocuswire

Một nghiên cứu do Oxfam International, tổ chức toàn cầu đấu tranh chống bất bình đẳng nhằm xoá đói giảm nghèo và bất công, đã phơi bày thực tế rằng tầng lớp siêu giàu đang góp phần không nhỏ vào lượng khí thải từ ngành hàng không.

Từ năm 1990, những hành vi này đã kéo theo thiệt hại lên tới 2,9 nghìn tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, với dự báo có thể mất tới 3% GDP vào năm 2050, trong khi những nước giàu lại hưởng lợi kinh tế.

Để giảm thiểu khí thải, nhiều giải pháp tiềm năng đã được đề xuất, như việc ứng dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), công nghệ hydro và máy bay điện. So với việc cải thiện phương tiện giao thông đường bộ, các sáng kiến này khả thi hơn nhiều trong bối cảnh hàng không.

Báo cáo của Carbon Credits nhấn mạnh rằng, sự gia tăng chóng mặt lượng khí thải từ máy bay phản lực tư nhân là lời cảnh báo cấp bách về việc cần kiểm soát tác động môi trường từ những chuyến bay xa xỉ. Khi thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, áp lực buộc phải điều chỉnh và cắt giảm khí thải từ các chuyến du lịch hạng sang ngày càng gia tăng.

Có lẽ, đã đến lúc những người giàu có nhất phải tiên phong trong việc thay đổi thói quen, hướng đến một tương lai bền vững và xanh hơn cho tất cả chúng ta.