Bloomberg chỉ ra những rủi ro cố hữu đe dọa tương lai thị trường tiền số

Doanh nghiệp và tiếp thị/Theo Bloommberg

Ngành công nghiệp tiền số vẫn đang đối mặt với những vấn đề cố hữu như khó khăn trong giao dịch, trục trặc cơ sở hạ tầng, tin tặc và đặc biệt là sự kỳ lạ trong giá trị của chúng.

luxlifestyle-bloomberg-canh-bao-ve-bitcoin-1640334784.jpg

Tiền số đã có một bước nhảy vọt to lớn trong năm 2021. Bên cạnh việc được công chúng quan tâm, tiền số cũng thu hút sự chú ý của các chuyên gia. CEO Morgan Stanley James Gorman cũng thừa nhận giá trị của chúng. Tiền số xâm nhập văn hóa đại chúng từ thể thao, giải trí, game hay các cuộc đấu giá danh tiếng. Trọng tài và các cầu thủ của giải bóng chày Major League mặc trên mình chiếc áo có biểu tượng của sàn FTX trước ngực.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đã bỏ qua những gì được mô tả là giá trị cơ bản. Những vấn đề, xuất hiện từ thủa sơ khai của tiền số, đến bây giờ vẫn chưa được khắc phục. Giao dịch trục trặc, lỗi cơ sở hạ tầng, vấn nạn hack và một loạt những điều kỳ quặc khác về tiền số vẫn chưa tìm được lời giải. 

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tiền số có giá trị vốn hóa hơn 2.000 tỷ USD bất chấp những vấn đề đang tồn tại. Những người ủng hộ muốn chúng thay thế các phương tiện tài chính truyền thống và cách mạng hóa nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, giấc mơ này chỉ có thể trở thành hiện thực khi họ giải quyết được các vấn đề bảo mật hay tốc độ giao dịch. 

Larry Tabb, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cấu trúc thị trường tại Bloomberg Intelligence, nhấn mạnh: "Ngành công nghiệp tiền số sử dụng mô hình của Facebook là đi nhanh và phá vỡ mọi thứ. Tuy nhiên, chẳng có quy định nào để buộc các nhà phát triển tiền số giải quyết những vấn đề đã tồn tại. Nếu tôi chán ngấy một sàn giao dịch, đơn giản là tôi sẽ chuyển sang một số sàn khác". 

Những người tin tưởng tiền số lập luận rằng khó khăn là điều tất yếu trong thủa đầu sơ khai của ngành công nghiệp này. Họ nói rằng tiền số sẽ tìm thấy chỗ đứng. Tuy nhiên, những biến cố lớn trong tương lai là điều khó tránh khỏi, nhất là với lịch sử biến động mạnh mẽ của loại tài sản này. 

Trong tháng, CoinMarketCap, một cái tên có tiếng trong giới tiền số, đã đưa ra một con số hoàn toàn sai khi nói rằng toàn bộ giá trị vốn hóa của thị trường này sẽ đạt 15 tỷ tỷ USD, gấp khoảng 660.000 lần tổng GDP của Mỹ. Sự cố này dường như không gây tổn thương cho bất kỳ ai nhưng không phải sai lầm nào cũng vô hại như thế. 

Một số sai lầm đã dẫn tới cú sập của Bitcoin và người ta không có công cụ nào để sửa sai khi thị trường tiền số không có công cụ ngắt mạch như chứng khoán Mỹ. Hồi tháng 10, sàn giao dịch tiền số Binance xảy ra sự cố khiến giá Bitcoin lao đốc tới 87%, từ 65.000 USD xuống còn 8.200 USD. Tuy nhiên, giá sau đó nhanh chóng được phục hồi. 

Theo thông báo của Binance, thuật toán giao dịch của một khách hàng tổ chức đã bị lỗi, dẫn tới việc kích hoạt 1 lệnh bán tháo với khối lượng lớn. Sau đó, họ đã sửa lỗi và vấn đề có vẻ đã được giải quyết. Tuy nhiên, 592,8 Bitcoin trị giá gần 40 triệu USD đã được giao dịch trong sự cố này.

Sau đó, hồi tháng 12, Bitcoin tiếp tục một đợt lao dốc khi mất tới 20% giá trị do các nhà giao dịch xả hàng ồ ạt vào cuối tuần, khi lượng giao dịch thưa thớt. Những sự cố cho thấy việc thiếu đi các công cụ phòng ngừa rủi ro khiến thị trường tiền số luôn đứng trước những nguy cơ to lớn. 

Những vấn đề được nêu ra cho thấy ngành công nghiệp tiền số có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Khi nói về sự cố, thị trường chứng khoán Mỹ không ít lần gặp những sự cố kinh hoàng. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Mỹ sẽ có những can thiệp để đảm bảo những sự cố đó không được phép xảy ra nữa. Trong khi đó, thị trường tiền số không có những điều này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. 

Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường tiền số sẽ có những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thị trường tiền số được hình thành bởi những người hầu như không có kinh nghiệm về tài chính chuyên nghiệp. Họ không thể đánh giá hết những gì cần thiết để xây dựng hệ thống xử lý giao dịch hiện đại với nhịp độ nhanh. 

Tabb của Bloomberg Intelligence nói rằng: "Đó là sự khác biệt cơ bản nếu bạn so sánh tiền số với các sàn giao dịch chứng khoán, nơi các nhà quản lý tập trung về sự an toàn, chắc chắn và cơ bản". 

Chính bản thân những người chuyển từ lĩnh vực tài chính truyền thống sang lĩnh vực tiền số cũng khẳng định rằng thiếu các biện pháp an toàn là tình trạng chung của thị trường. Bên cạnh một vài công ty triển khai các biện pháp phòng vệ, số còn lại vẫn chưa thực sự quan tâm tới lĩnh vực này.

Ngoài ra, tin tặc tiếp tục là vấn đề lớn với thị trường tiền số, vốn gắn kết sâu rộng với Internet. Điều này hoàn toàn khác biệt với các máy tính phục vụ trong lĩnh vực tài chính, vốn được ngăn cách với Internet bằng các rào cản an ninh mạng. Nasdaq từng bị tin tặc tấn công khoảng một thập kỷ trước nhưng hệ thống máy tính cốt lõi của nó hoàn toàn được bảo vệ. 

Người ta chẳng còn lạ lẫm gì đối với các thương vụ tin tặc trên thị trường tiền số. Thậm chí, nhiều thương vụ đình đám bắt nguồn từ "lỗi đánh máy", điều không thể xảy ra trên thị trường tài chính truyền thống. Tuy nhiên, chưa có giải pháp nào cho thấy những tồn tại này sẽ sớm được giải quyết.