Chân dung tỉ phú Chang Peng Zhao, ông chủ Binance - sàn giao dịch 300 tỉ đô la Mỹ không có trụ sở

Nguyễn Vũ

Dù đồng tình hay phản đối sự xuất hiện của các loại đồng tiền mã hóa, có lẽ phải tìm hiểu các ngóc ngách hoạt động của thị trường mới lạ này và nơi bắt đầu tốt nhất chính là Binance – hiện đang là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

changpeng-zhao-1-1638173316.jpg
tỉ phú Chang Peng Zhao ông chủ Binance 

Một khởi đầu không muốn bị ràng buộc

Binance được Changpeng Zhao và một số nhà lập trình thành lập vào năm 2017; Zhao năm nay 44 tuổi là người gốc Hoa nhưng năm 12 tuổi đã theo bố mẹ đến Canada sinh sống. Sau khi học công nghệ thông tin, Zhao làm việc ở Tokyo, New York cho một số hãng tài chính với nhiệm vụ phát triển phần mềm dùng trong giao dịch các hợp đồng triển kỳ.

Theo Wall Street Journal, lần đầu tiên Zhao nghe nói đến bitcoin là vào năm 2013; lúc này đồng tiền mã hóa đầu tiên của thế giới đã xuất hiện được vài năm và đang bắt đầu thu hút sự chú ý của giới công nghệ, nhất là những ai mất hết tin tưởng vào hệ thống tài chính truyền thống sau vụ khủng hoảng năm 2008.

Zhao có ấn tượng mạnh về một loại tiền phi tập trung, không chịu sự quản lý của bất kỳ chính phủ nào nên bán căn hộ đang ở tại Thượng Hải, lấy bitcoin rồi bắt đầu tham gia vào một số công ty khởi nghiệp tiền mã hóa. Thế nhưng lúc đó mua bán bitcoin khá khó khăn, chỉ có một vài sàn giao dịch như Mt. Gox lại bị nhiều cú tấn công của tin tặc làm mất tiền của khách.

Có lẽ Zhao muốn khép mình vào kỷ luật thị trường nhằm hướng đến một phi vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng để lên sàn chứng khoán vào năm 2024. Lúc đó tài sản ảo của Zhao và cộng sự mới biến thành tiền thật.

Lúc mới thành lập Binance chỉ cho giao dịch bitcoin và một số đồng tiền mã hóa khác nhưng khách không được đổi từ bitcoin sang tiền chính thống, có lẽ vì những người sáng lập muốn cắt đứt mối dây ràng buộc với các loại tiền cũ. Cũng vì thế Binance không có tài khoản ngân hàng, không địa chỉ, không trụ sở.

Bất kể những yếu tố có thể gây hoài nghi này, Binance lớn nhanh như thổi, một phần do trang web có đến chín ngôn ngữ, vượt trội hẳn các đối thủ chỉ có phiên bản tiếng Anh. Giao diện Binance dễ sử dụng, dễ theo dõi nên nhanh chóng thu hút người dùng đến từ các thị trường nơi hệ thống tài chính còn ở mức sơ khai, chưa phát triển như Nam Phi, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.

Chỉ trong vòng sáu tháng Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới và duy trì vị trí này cho đến nay. Hiện nay mỗi ngày Binance xử lý lượng giao dịch trị giá đến 76 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn bốn đối thủ xếp hạng kế tiếp cộng lại.

Dù không liệt kê văn phòng chính thức nào Binance hiện có 3.000 nhân viên rải khắp thế giới. Dựa vào khối lượng giao dịch, phí giao dịch, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Binance lên sàn chứng khoán nó sẽ được định giá khoảng 300 tỉ đô la Mỹ và Zhao là một tỉ phú đô la vì đang nắm lượng cổ phần lớn nhất trong Binance.

Nhưng vòng kim cô các nước đang siết lại dần

Tuy nhiên cũng do Binance lớn quá nhanh nên đang rơi vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý tại nhiều nước. Hai tháng sau khi Binance chính thức hoạt động tại Thượng Hải vào mùa hè năm 2017, Trung Quốc ra lệnh cấm các đồng tiền mã hóa vì sợ chúng sẽ là phương tiện để chuyển tiền trái phép ra khỏi nước. Đội ngũ ban đầu của Binance chừng 30 người ngay lập tức dọn sang Nhật. Năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Nhật cảnh báo Binance không được giao dịch với người Nhật vì chưa có giấy phép hoạt động.

Việc Binance không có một địa chỉ trụ sở cụ thể làm đau đầu nhiều nhà quản lý vì họ không biết ai chịu trách nhiệm cho tổng thể công ty. Công ty mẹ Binance Holdings Ltd. được thành lập ở Cayman Islands nhưng theo giới quản lý tài chính của địa điểm tránh thuế nổi tiếng này thì Binance Holding không đăng ký chức năng cũng như không được cấp phép điều hành một sàn giao dịch tiền mã hóa từ Cayman Islands. Hai năm đại dịch Zhao cư trú tại Singapore.

Không như các sàn giao dịch chứng khoán phải đăng ký và được cấp phép ở từng địa phương, Binance lan ra khắp thế giới chỉ dựa vào nền tảng trang web Binance.com và các ứng dụng trên điện thoại di động. Năm 2019 Binance bắt đầu cho phép nhà đầu tư chuyển đổi từ tiền mã hóa sang tiền truyền thống như đô la Mỹ hay euro.

Hiện nay người chơi đăng ký một tài khoản trên Binance và có thể bắt đầu mua bán đủ loại tiền mã hóa bằng thẻ tín dụng hay bằng kết nối với tài khoản ngân hàng. Binance liên tục thuê các nhân vật nổi danh trên YouTube làm các video bày cho người mới chơi rồi tạo các nhóm trên Facebook và các mạng xã hội khác để tiếp cận khách hàng mới ngay ở những địa điểm ít sàn khác chú ý như Trung Đông hay châu Phi.

Ở Mỹ, theo Bloomberg, Bộ Tư pháp nước này đang điều tra xem thử Binance có hỗ trợ cho chuyện rửa tiền. Còn Ủy ban Giao dịch chứng khoán SEC năm 2019 phát hành tài liệu đưa ra các bài kiểm tra xem thử một tài sản kỹ thuật số có phải là chứng khoán và phải chịu sự giám sát của SEC hay không.

Changpeng Zhao bèn cho chuyển hướng người dùng tại Mỹ vào địa chỉ Binance.US; trên đó Zhao cho rút bớt các loại đồng tiền có thể bị tranh cãi và hủy bỏ các dạng dịch vụ phái sinh. Đến cuối năm 2020, SEC yêu cầu Binance.US cung cấp thông tin về hoạt động của nó, như ai đang nắm quyền kiểm soát các ví tiền kỹ thuật số của người chơi, tiền mã hóa được lưu ở đâu, chi tiết mối quan hệ giữa Binance.US và Binance Holding.

Một trong những mối lo của giới quản lý tài chính ở Mỹ là việc kiểm soát dữ liệu mua bán tiền mã hóa lại nằm trong tay những người lập trình có mối liên hệ với Trung Quốc như vấn đề TikTok từng gặp phải. Người phát ngôn của Binance cho rằng không có công nghệ hay dữ liệu nào của Binance đang nằm ở Trung Quốc. “Mọi thông tin nhận dạng cá nhân của khách hàng tại Mỹ được lưu trên nền tảng Amazon Web Services tại Richmond, Virginia” – ông này nói.

Ngoài ra Binance còn bị cấm hoặc được cảnh báo không được cung cấp dịch vụ đầu tư vào tiền mã hóa tại Anh, Ý, Đức, Hàn Lan, Nhật Bản và Hồng Kông.

Bất kể các rắc rối với chính quyền sở tại, Binance vẫn đang bành trướng mạnh. Giao dịch giao ngay trên Binance vào tháng 9 tăng 10% so với tháng trước. Có vẻ như triết lý kinh doanh của Zhao đang thay đổi. Trong một bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Zhao cho rằng sàn giao dịch tiền mã hóa sẽ phải được quản lý và cấp phép đúng thủ tục thì mới thu hút thêm khách hàng mới.

Binance cũng đang tiến hành lập các văn phòng đại diện và một trụ sở chính – những việc trước đây Zhao cho là đã lạc hậu với tiền mã hóa nhưng nay là cần thiết vì giới quản lý muốn như vậy. Có lẽ Zhao muốn khép mình vào kỷ luật thị trường nhằm hướng đến một phi vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng để lên sàn chứng khoán vào năm 2024. Lúc đó tài sản ảo của Zhao và cộng sự mới biến thành tiền thật.