Chanel và hành trình cách tân tư tưởng thời trang qua ba thời đại huy hoàng

Theo Thanh Nguyễn – Diệu Thanh/ Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ra đời vào năm 1910 với tiền đề là một tiệm thiết kế mũ, Chanel đã trải qua một cuộc hành trình chinh phục thế giới thời trang tuyệt đẹp dưới sự dẫn dắt của 3 nhà thiết kế tài năng.

Nếu Coco Chanel xếp những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho đế chế thời trang hướng tới tương lai. Karl Lagerfeld cùng những nàng thơ của mình tôn vinh vẻ đẹp riêng biệt như triết lý mà nhà mốt theo đuổi, thì Virginie Viard lại đang “lấp đầy” ngôi nhà thời trang bằng hơi thở khoái lạc của cuộc sống. Dù khác nhau trong cách tiếp cận ở mỗi thời kỳ song những người “cầm lái” Chanel luôn sẵn sàng phá bỏ mọi chuẩn mực khi cần thiết để bảo toàn triết lý thời trang về sự thời thượng xuất phát từ lối sống. 

COCO CHANEL SÁNG TẠO NHỮNG DI SẢN TRƯỜNG TỒN 

Tài năng của Gabrielle Bonheur Chanel đã trở thành biểu tượng nhưng vĩ nhân của thế giới thời trang xa xỉ lại là “kẻ sống sót” lớn lên với tuổi thơ cơ cực, nghèo khó ở một Tu viện thuộc Aubazine, nước Pháp. Có thể nói, những khuôn phép hà khắc cùng bảng màu ảm đạm trên trang phục của những nữ tu đã “tô vẽ” nên một tâm hồn khát khao tự do với tinh thần thời trang cấp tiến. Và rồi vào năm 18 tuổi, sau khi được giải thoát khỏi những ràng buộc, người thiếu nữ với tư tưởng phóng khoáng và tiến bộ đã xướng lên khúc hát Qui qu’a vu Coco? (Coco đi đâu rồi?) trước mặt những người xa lạ trong hộp đêm. Đây cũng là cơ duyên giúp bà gặp được người tình Étienne de Balsan và bắt đầu mối quan hệ với giới thượng lưu bằng cái tên Coco Chanel.

Chân dung Coco Chanel

Hình ảnh Coco Chanel trong lúc làm việc tại studio thời trang của mình. (Ảnh: Roger Schall)

Năm 1910, khi “Chanel Modes” được khai trương tại số 21 rue Cambon cũng là lúc hội phú bà giàu có “rỉ tai” nhau về những thiết kế mũ sáng tạo của Coco. Không lâu sau đó, Coco với tư tưởng cấp tiến bắt đầu cuộc cách mạng thời trang giải phóng hình thể nữ giới. Vứt bỏ chiếc corset gò bó và xé toạc những viền hoa trang trí diêm dúa, bà miêu tả và phong cách lý tưởng cho một người phụ nữ là sự thoải mái và tinh tế và “gói gọn” hình tượng ấy trong các thiết kế đơn giản mang hơi hướng nam tính. Năm 1912, Chanel Boutique đầu tiên đi vào hoạt động tại vùng đất Deauville (Pháp). Mê mẩn chất liệu jersey thường được sử dụng làm đồ lót nam thời ấy, quý cô Chanel cho ra mắt dòng trang phục thể thao nữ và được đón nhận đông đảo. Năm 1915 tại Biarritz, 300 thợ may đã tập trung ở Couture House để làm nên bộ sưu tập cao cấp đầu tiên của thương hiệu dưới sự dẫn dắt của Mademoiselle Chanel. 

 

31 boutique

Tòa nhà di sản số 31 rue Cambon được mở cửa vào năm 1918 là nơi tiếp theo chủ nhân của nhà mốt tạo nên những kiệt tác. (Ảnh: Bibliotheca Historica)

jersey chanel

Coco Chanel trong thiết kế từ vải jersey. (Ảnh: Hulton Deutsch)

Thập niên 20 đánh dấu những cột mốc quan trọng của lịch sử thời trang thế giới dưới tác động của nhà kiến tạo Coco Chanel. Chưa bao giờ được xem là gam màu đại diện cho lối phục sức thời thượng của giới thượng lưu, sắc đen gần như chỉ gắn liền với tầng lớp người hầu hoặc sự tang tóc cho đến khi Coco tạo ra thiết kế đầm little black dress vào năm 1926. Thiết kế phóng khoáng của “chiếc váy đen bé nhỏ” dài đến bắp chân từ vải crepe không có một chi tiết trang trí cầu kỳ nào là tuyên ngôn vùng lên của những người phụ nữ khỏi chiếc lưới mềm dệt nên từ chuẩn mực truyền thống. Không dừng ở đó, Coco Chanel còn định nghĩa lại sự thanh lịch “vượt thời gian” bằng cách thêm vào chuỗi hạt ngọc trai tao nhã. 

LBD Chanel

Romy Schneider trong chiếc Chanel LBD năm 1962. (Ảnh: Romy Schneider – Rue Des Archives)

Mã hóa tính tiện lợi trong ADN của thương hiệu, tháng 2 năm 1955, quý bà giới thiệu chiếc túi đầu tiên có dây đeo vai mang tên 2.55 tác thành cho nhu cầu làm đẹp và tính thực tiễn của người dùng. Có thể nói, với phom dáng hình chữ nhật và hoạ tiết quả trám kinh điển, sáng tạo lấy cảm hứng từ những người người lính giao liên trong thời chiến chưa bao giờ lỗi mỗt. Vẻ đẹp thời trang vĩnh cửu vẫn được tiếp nối bằng những cuộc “khai phá” thời trang ấn tượng khác. Ví như sự đổ bộ của các thiết kế suit từ vải tweed bình dân trong tủ đồ của những người phụ nữ nổi tiếng nhất thời điểm bấy giờ như Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy, công nương Grace Kelly và hàng loạt minh tinh Hollywood. Vương triều Chanel dưới thời Coco kết thúc vào năm 1971 nhưng dường như khúc ngợi ca về những thành tựu của bà vẫn luôn vang vọng mãi.

 

chanel 2.55

Gabrielle Chanel bên chiếc túi 2.55 năm 1957. (Ảnh: Mike de Dulmen)

JACQUELINE KENNEDY

Cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Jacqueline Kennedy trong bộ suit vải tweed năm 1963. (Ảnh: Art Rickerby)

 

KARL LAGERFELD – NGƯỜI GIÁM HỘ CHO NHỮNG VẺ ĐẸP KHÁC BIỆT

Năm 1983, Karl Lagerfeld bước vào ngôi nhà di sản của nhà mốt và tái định nghĩa lại những giá trị trường tồn của Coco với một hơi thở hiện đại và trẻ trung. Ông hồi sinh các thiết kế Haute Couture, đưa BST Cruise trở lại với sàn diễn, giới thiệu dòng sản phẩm Ready-to-wear và tôn vinh những người thợ thủ công với show diễn truyền thống D’Art Métiers.

Karl Lagerfeld

Claudia Schiffer, Karl Lagerfeld, Christy Turlington và Linda Evangelista trong show diễn Chanel Haute Couture Thu – Đông 1992 ở Paris. (Ảnh: Bertrand Rindoff Petroff)

Karl không khai sinh ra những biểu tượng, ông là một nhà khảo cổ tích cực truyền tải tinh hoa quá khứ nhưng không ngần ngại tái bản chúng trong một dáng vẻ đương đại. Ông kết hợp những chất liệu vải khác nhau lên chiếc Chanel La Veste, đó có thể là denim, sequin, họa tiết hay bất cứ thứ gì không nằm trong khuôn khổ nào và cũng không chỉ với mẫu áo khoác vải tweed này.  

Khi trào lưu hiphop thay đổi tư duy ăn mặc của giới trẻ, Karl cũng sẵn sàng kết hợp nó với hệ tư tưởng thời trang thanh lịch và quý phái của Chanel. Ông đưa khái niệm athleisure vào từ điển của nhà mốt bằng BST Thu – Đông năm 1991. Karl coi công nghệ vừa là những phát minh cải thiện cuộc sống vừa là một cơ hội rộng mở của thời trang và “đắm chìm” trong việc đưa những tín hiệu khoa học viễn tưởng vào thiết kế của mình.

Susan Holmes & Emma Wiklund Chanel 1991

BST ready-to-wear Thu – Đông năm 1991 mang âm hưởng hip hop với những sợi dây xích bản to. (Ảnh: The Runway Archive)

Dù quý bà Coco Chanel là người đã tạo ra logo hai chữ C lồng vào nhau nhưng Karl Lagerfeld mới là người đưa biểu tượng này chu du khắp các lãnh địa của thế giới thời trang. Từ cà-vạt, cài áo, móc đeo túi xách,… mọi thứ đều có thể dính đến Chanel. Bằng cách mua lại nhiều nhà nghề thủ công như Lesage chuyên về thêu đính hay xưởng giày Massaro, thương hiệu ngày càng mở rộng và cá nhân hóa đế chế thời trang của riêng mình. Những show diễn của Chanel cũng là một phương thức để nhà mốt phủ sóng truyền thông bởi giới mộ điệu sẽ luôn bàn luận về những sân khấu với ý tưởng đột phá và táo bạo nhằm truyền tải trọn vẹn nghệ thuật trong trí tưởng tượng của Karl Lagerfeld.

 

chanel 2016

Với thông điệp mang lại giá trị môi trường bền vững, Karl Lagerfeld tạo ra một ngôi nhà gỗ tối giản làm sàn diễn Haute Couture Xuân – Hè 2016. (Ảnh: Fashionista)

Chanel Thu Đông 2014

Khung cảnh của một siêu thị được tái hiện trong show diễn Thu – Đông 2014. (Ảnh: Chanel)

 

Karl cũng luôn không ngừng kiếm tìm những nàng thơ cho riêng mình và bắt đầu hình thành định nghĩa về một quý cô Chanel mang dáng dấp của Coco pha trộn với những nét quyến rũ ngẫu hứng và bất ngờ. “Chanel” không chỉ là một cái tên, nó trở thành tính từ miêu tả những cô gái thành thị thời thượng và sang trọng theo một cách riêng độc đáo. Trong đó phải kể đến Inès de la Fressange – hiện thân hoàn hảo của phong cách “chic” cổ điển nhưng luôn sẵn sàng hòa mình vào những màu sắc đa dạng để trình diễn các thử nghiệm mới lạ của Karl. Hay Stella Tennant với nét đẹp sắc sảo, phi giới tính trong mái tóc pixie đánh dấu bước chuyển mình trong quan niệm về sự “xinh đẹp” ở thời kỳ này. Với đặc trưng là phong cách gamine dành cho những quý cô hoạt bát, tinh nghịch, nàng thơ của Chanel cũng chưa bao giờ cần đến bảng số đo đáng ngưỡng mộ. Nữ diễn viên Châu Tấn với nét đẹp phương Đông thuần khiết, bí ẩn pha chút sầu muộn cũng là nguồn cảm hứng thời trang đặc biệt của Karl trong suốt hơn một thập kỷ.

 

Ines de La Fressange

Inès de La Fressange trở thành người mẫu độc quyền đầu tiên của thương hiệu vào năm 1983. (Ảnh: Daniel SIMON/Gamma-Rapho)

Stella Tennant

Stella Tennant đại diện cho phiên bản hiện đại của Coco Chanel. (Ảnh: Chanel)

Châu Tấn

Thần thái độc đáo của Châu Tấn phản chiếu hoàn hảo triết lý của thương hiệu. (Ảnh: Chanel)

 

VIRGINIE VIARD VÀ NỖ LỰC MANG HƠI THỞ ĐỜI THƯỜNG VÀO NHÀ MỐT CAO CẤP

Hơn 30 năm sự nghiệp ở thương hiệu và là cánh tay phải đắc lực của Karl Lagerfeld, Virginie gần như đã xây dựng cuộc đời mình ở Chanel và thấu hiểu tường tận từng nhịp thở của thương hiệu để đảm bảo về sự tiếp nối bản sắc. Và khi ADN “thuần chủng” đã được chắc chắn, người ta lại hoài nghi làm sao để nhận diện Virginie Viard? Nữ diễn viên kiêm Đại sứ thương hiệu Kristen Stewart từng nói: “Bà ấy hành động thay vì dùng lời nói. Và Viard kỳ lạ theo một cách tuyệt đẹp.”

Virginie Viard

(Ảnh: Chanel)

Chanel Thu Đông Couture 2019

Show diễn Haute Couture Thu – Đông 2019 của Chanel. (Ảnh: Victor Virgile/Gamma-Rapho)

Nếu Karl đã xây dựng một vũ trụ thời trang đầy khát vọng cho thương hiệu thì Viard lại đang “lấp đầy” nó bằng vẻ bình dị cần thiết của cuộc sống. Trong BST Haute Couture đầu tiên của Viard với vai trò Giám đốc Sáng tạo vào mùa Thu – Đông năm 2019, sự mềm mại tràn ngập trên sàn diễn bởi những thiết kế lấy cảm hứng từ pyjama, áo ngủ lụa và giày bệt. Thảm đỏ LHP Venice vừa qua cũng chứng kiến tạo hình bùng nổ của Kristen Stewart trong thiết kế Haute Couture lấy cảm hứng từ bộ đồ ngủ của Chanel. Bà cũng từng khẳng định cảm hứng của mình không bắt nguồn từ thời trang mà là những yếu tố gần gũi khác như những người cộng sự hay thậm chí là bài tập của con trai. Và có lẽ từ phòng riêng đến những không gian đời thường khác, đây sẽ tiếng nói Chanel của riêng Virginie Viard để đưa thương hiệu trở thành một “lối sống” như quan niệm của Coco Chanel về sự thanh lịch. 

 

Chanel Couture 2019 look 1

Thiết kế lấy cảm hứng từ áo ngủ trong BST Chanel Haute Couture Thu – Đông 2019. (Ảnh: Chanel)

Chanel couture 2021

Thiết kế được Kristen Stewart mặc ở LHP Venice 2021 nằm trong BST Couture Thu – Đông 2021 của Chanel. (Ảnh: Chanel)

Qua một quá trình quan sát từ những thiết kế đầu tiên của Virginie tại Chanel cho đến BST ready-to-wear Xuân Hè 2022 gần đây nhất, người ta lại phát hiện ra có gì đó thật “nữ tính” ở nhà mốt thời điểm hiện tại. Hiển nhiên là thương hiệu này chưa bao giờ mang cái nét dịu dàng, đằm thắm đến mức này từ lúc người sáng lập dành phần lớn thời gian lục tung tủ quần áo nam giới để nghiên cứu những ý tưởng. Coco từng chê những chiếc váy lụa satin đính nơ và bèo nhún của phụ nữ Paris những năm đầu thế kỉ 20 chả khác gì chiếc rèm cửa sến súa. Thời gian qua đi, Virginie bây giờ lại gắn những chi tiết điệu đà ấy lên và từng bước thực hiện kế hoạch tôn vinh cá tính của những tâm hồn bay bổng và mộng mơ. 

Chanel thời Virginie

Thiết kế mềm mại trái ngược với thời Coco. (Ảnh: Alessandro Lucioni)