Ngôi nhà di động trên bốn bánh
Vốn đam mê khám phá thiên nhiên, đôi vợ chồng trẻ từng vi vu khắp nơi trên chiếc xe máy, mang theo lều trại để tận hưởng những đêm nằm dưới bầu trời đầy sao, sáng thức giấc bên dòng suối hay mặt hồ mờ sương. Tuy nhiên, việc mang theo quá nhiều đồ đạc dần trở thành gánh nặng, chưa kể di chuyển bằng xe máy tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tình cờ xem một video về cách người Nhật cải tạo xe tải thành ngôi nhà di động, Lực và Uyên nảy ra ý tưởng biến chiếc xe tải cũ của gia đình thành tổ ấm nhỏ trên những cung đường.
“Ba tôi định bán chiếc xe tải cũ, nhưng chúng tôi quyết định mua lại để tự cải tạo. Chiếc xe nhỏ gọn, động cơ bền bỉ, không bị giới hạn trên nhiều tuyến đường, rất lý tưởng cho những chuyến đi xa,” anh Lực chia sẻ.

Trên chiếc xe nhà di động, vợ chồng Lực - Uyên thỏa sức vi vu khắp mọi nẻo đường. Ảnh: Bá Lực.


Chiếc xe tải nhỏ được thiết kế tinh gọn, vừa đảm bảo tiện nghi vừa giữ nguyên kết cấu ban đầu. Ảnh: Bá Lực.
Sau một tháng tự nghiên cứu và nhận sự hỗ trợ từ một người bạn am hiểu về nhôm kính, ngôi nhà di động đã hoàn thiện vào tháng 10/2024 với tổng chi phí khoảng 30 triệu đồng.
Chiếc xe của cặp đôi có trọng lượng 700kg, kích thước dài 4,2m, rộng 1,6m và cao 2,4m. Để đảm bảo sự tiện nghi mà không làm chật chội không gian, họ đã tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết.
"Thách thức lớn nhất là diện tích thùng xe khá nhỏ, nhưng chúng mình muốn giữ thiết kế gọn gàng, không thay đổi kết cấu để thuận tiện cho việc đăng kiểm. Vì vậy, mọi thứ đều được cân nhắc kỹ, chỉ giữ lại những vật dụng thực sự cần thiết", chị Uyên chia sẻ.
Bên trong xe được bố trí bàn ăn đa năng có thể sử dụng để làm việc và nấu nướng, bên dưới là khu vực lưu trữ đồ bếp. Ngoài ra, xe còn được trang bị nệm gấp, thùng chứa nước cùng hệ thống kệ và móc treo giúp tối ưu hóa không gian sinh hoạt.


Góc nhỏ đáng yêu và ngăn nắp bên trong ngôi nhà di động. Ảnh: Bá Lực.




Gian bếp tuy nhỏ nhưng được trang bị đầy đủ tiện nghi, sẵn sàng cho những bữa ăn sum vầy. Ảnh: Bá Lực.
Dưới gầm bàn là nơi đặt trạm phát điện di động cùng các ngăn chứa đồ dùng nấu nướng, dụng cụ cắm trại, chén bát và gia vị. Sàn xe được lát gỗ, giúp không gian sạch sẽ và dễ dàng vệ sinh. Điểm nhấn đặc biệt trong xe là chiếc gương dài 1,2m đặt ngay phía trên bàn ăn, không chỉ tạo cảm giác rộng rãi hơn mà còn giúp anh Lực có thể vừa làm việc, vừa nấu ăn, vừa ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài.
Những hành trình rộng mở
Vào cuối tuần, hai vợ chồng thường rong ruổi đến những địa điểm thiên nhiên gần thành phố như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), đồi Thiên An (Huế), Đông Giang hay Hội An (Quảng Nam) để tận hưởng sự yên bình. Những chuyến đi này giúp họ nạp lại năng lượng sau những ngày làm việc bận rộn, hòa mình vào thiên nhiên mà không cần lên kế hoạch quá chi tiết.
Chuyến đi xa nhất mà họ từng thực hiện là hành trình từ Đà Nẵng đến Măng Đen (Kon Tum), sau đó tiếp tục đến Đà Lạt, rồi quay về qua cung đường ven biển Phú Yên, Bình Định. Tổng quãng đường gần 2.000 km, nhưng nhờ có "ngôi nhà di động", họ không phải lo lắng về chỗ ở, có thể dừng chân bất cứ nơi nào an toàn để nghỉ ngơi, nấu ăn và tận hưởng chuyến đi theo cách riêng của mình.




Trên hành trình của mình, họ không chỉ khám phá những miền đất mới mà còn tìm thấy niềm vui trong từng khoảnh khắc. Ảnh: Bá Lực .

Phút dừng chân giữa đường. Ảnh: Bá Lực.
Đà Lạt có lẽ là điểm đến để lại nhiều ấn tượng nhất với bọn mình. Không chỉ sở hữu khung cảnh thơ mộng, thành phố này còn mang đến một cảm giác yên bình khó tả. Bọn mình đỗ xe ngay trung tâm, tự do lang thang khám phá mọi ngóc ngách, rồi tối về chỉ cần ngả lưng là chìm vào giấc ngủ ngon. Sáng sớm thức giấc trong tiết trời se lạnh, phóng tầm mắt ra mặt hồ Xuân Hương tĩnh lặng, mọi thứ bỗng trở nên an yên và thư thái đến lạ, chị Uyên nhớ lại.
Lần đầu tiên ngủ trong chiếc xe này cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. “Lúc đầu hơi lạ lẫm, nhưng sau khi sắp xếp mọi thứ gọn gàng và nằm xuống, mình cảm nhận được sự thoải mái và tự do tuyệt đối. Dù không gian nhỏ bé, nhưng chiếc xe này lại mở ra cho bọn mình một thế giới rộng lớn hơn rất nhiều,” anh Lực chia sẻ.

Hành trình đến vùng núi Nam Trà My (Quảng Nam) mang theo 1.000 cuốn sách dành tặng các em học sinh. Ảnh: Bá Lực.
Mỗi hành trình không chỉ đơn thuần là những chuyến đi, mà còn là dịp để cặp đôi lan tỏa yêu thương. Khi đặt chân đến vùng núi Đông Giang (Quảng Nam), họ mang theo quần áo cũ cùng một số vật dụng thiết yếu để trao tặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
“Mỗi chuyến đi mở ra một góc nhìn mới về cuộc sống, giúp chúng mình trân trọng hơn những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Chúng mình cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vì đã chọn cho mình một lối sống tự do,” chị Uyên bày tỏ.