Giới nhà giàu không có con ở Nhật Bản chọn quyên góp tài sản cho từ thiện

Khi dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, số lượng người cao tuổi lựa chọn để lại tài sản cho hoạt động từ thiện sau khi qua đời cũng tăng lên.

nhieu-nguoi-giau-co-nhat-581747740719-1-1747754329.png

Các chuyên gia cho biết hiện nay số người cân nhắc việc quyên góp tài sản thừa kế đang gia tăng do xu hướng ngày càng phổ biến của các cặp vợ chồng không sinh con và người sống độc thân.

Tại Nhật Bản, số lượng các khoản quyên góp từ di chúc đang ngày một tăng, chủ yếu đến từ người cao tuổi dành cho bệnh viện, tổ chức phi lợi nhuận và các cơ sở y tế. Xu hướng này phần lớn xuất phát từ thực tế ngày càng nhiều cặp vợ chồng không có con hoặc không có người thừa kế.

Trước đây, nếu một người qua đời mà không để lại người thừa kế, tài sản sẽ được chuyển vào kho bạc quốc gia. Tuy nhiên trong những năm gần đây, điều này đã thay đổi khi ngày càng có nhiều tổ chức đóng vai trò trung gian kết nối giữa người muốn quyên góp và các đơn vị tiếp nhận thông qua di chúc hoặc ủy thác.

Bà Yoko Inaba, 71 tuổi, hiện sống trong một khu chung cư dành cho người cao tuổi tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, chia sẻ rằng bà cảm thấy nhẹ nhõm khi biết tài sản của mình sẽ được sử dụng đúng mục đích. Vào tháng 12 năm ngoái, bà đã lập di chúc, trong đó ghi rõ toàn bộ tài sản sẽ được dành tặng cho một cơ sở y tế chuyên chăm sóc trẻ sơ sinh sau khi bà qua đời.

Bà Inaba cho biết khi còn là thiếu nữ, mẹ bà từng kể rằng do biến chứng khi sinh, bà từng có nguy cơ tử vong hoặc bị tổn thương não. Câu chuyện đó đã khiến bà nuôi ý định hỗ trợ điều trị y tế cho những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự. Bà từng ly hôn khi còn trẻ, không có con và cũng không giữ liên lạc với các anh chị em.

Thông qua một tổ chức tài chính, bà Inaba đã nhận được tư vấn từ Readyfor, một nền tảng gây quỹ cộng đồng có trụ sở tại Tokyo. Tổ chức này đã đóng vai trò trung gian cho các khoản quyên góp di sản từ năm 2021. Nhờ mong muốn được quyên góp, bà Inaba đã chuẩn bị di chúc một cách thuận lợi và hợp pháp.

Các chuyên gia nhận định ngày càng có nhiều người cao tuổi lựa chọn hình thức quyên góp di sản, trong bối cảnh số lượng người không có con hoặc sống đơn thân ở Nhật Bản ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Tòa án Tối cao Nhật Bản, số tiền không có người thừa kế chuyển vào kho bạc nhà nước trong năm 2023 đã vượt 100 tỷ yên, tương đương gần 700 triệu USD, gấp ba lần so với cách đây mười năm.

Tuy nhiên hiện nay, nhận thức của người dân về việc quyên góp tài sản khi không có người thừa kế đang được cải thiện. Nhiều người bắt đầu chủ động lên kế hoạch sử dụng tài sản của mình sau khi qua đời.

Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 250 tổ chức tại Nhật Bản đã đăng ký trở thành đơn vị tiếp nhận tài trợ. Trong đó, các trường đại học và cơ sở y tế chiếm phần lớn. Đối với các nhà tài trợ, những lĩnh vực được lựa chọn quyên góp phổ biến nhất là chăm sóc trẻ em, y tế và giáo dục.