Giới siêu giàu Keiretsu Nhật Bản - Phần 2: Keiretsu đưa Nhật Bản từ đống đổ nát đến 'kỳ tích kinh tế'

Ngọc Bích

Từ sau Thế chiến Thứ 2, Keiretsu không những giúp nền kinh tế Nhật Bản vực dậy mà còn cải thiện đáng kể vị trí của nền kinh tế Nhật Bản trên trường thế giới: Năm 1960, sản lượng ngành công nghiệp Nhật Bản tăng vọt so với trước Thế Chiến thứ 2. Vào năm 2020, Tokyo (Nhật Bản) là thành phố giàu nhất thế giới, tính theo GDP. Và Nhật Bản cũng là chủ nợ lớn nhất thế giới vào cuối năm 2019.

keiretsu-tac-dong-den-kinh-te-nb-1-1670915247.png

Nhiều năm qua giới học giả và nghiên cứu thế giới đã tốn không ít giấy mực để lý giải cho hiện tượng phát triển kinh tế thần kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai của Nhật Bản và một trong những lí do được chấp nhận là nhờ sự thành công của mô hình kinh tế Keiretsu, nổi lên như một sự thay thế cho các Zaibatsu.

Nhật Bản đã có tới 6 tập đoàn Keiretsu công nghiệp lớn và 11 tập đoàn quy mô nhỏ hơn. Doanh số các Keiretsu này chiếm khoảng 25% doanh số của tất cả các công ty Nhật Bản và giá trị vốn hóa thị trường của chúng chiếm khoảng 78% tổng giá trị vốn hóa của thị trường Tokyo.

Keiretsu tác động lên nền kinh tế như thế nào?

Cũng như các Zaibatsu đã từng, thì sau thế chiến thứ hai, các tập đoàn Keiretsu cũng “nối nghiệp” tiền thân của mình, trở thành các tập đoàn công nghiệp khổng lồ kiểm soát nền kinh tế nước Nhật. Các Keiretsu chiếm phần lớn tổng giá trị vốn hóa của Thị trường chứng khoán Tokyo.

Các Keiretsu cũng có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nhật Bản, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 ở châu Á và lớn thứ 3 trên thế giới, năm 2022 nominal GDP Nhật Bản đạt khoảng 5.04 nghìn tỷ USD, vượt qua những người khổng lồ như Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Và đặc biệt là giúp cho các công ty Nhật Bản không bị thôn tính bởi các công ty nước ngoài.

Keiretsu là nguồn gốc, nền tảng của những Tập đoàn lớn, hàng loạt siêu thương hiệu đa dạng hóa, đầy quyền lực hiện nay như Honda, Toyota, Mitsubishi, Nissan,... 

Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2

Sau khi Nhật Hoàng Hirohito chính thức tuyên bố đầu hàng quân Mỹ vào tháng 8-1945, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Nhật Bản là nước bại trận bị quân đội nước ngoài chiếm đóng, mất hết thuộc địa, và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Nhiều khó khăn bao trùm quốc gia này như thất nghiệp, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, lạm phát nặng nề.

ngay-nay-nam-xua-hiroshima-thanh-tro-tan-vi-bom-nguyen-tu-my-1-1670917405.jpg
Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ảnh: Roosevel

Về lương thực: Các vụ đánh bom khiến sản xuất lương thực bị gián đoạn và người dân phải sống trong cảnh đói kém. Nền kinh tế Nhật vốn có động lực là sản xuất vật tư phục vụ chiến tranh đã bị đình trệ đáng kể khi sản xuất công nghiệp giảm 90%. Thu nhập bình quân đầu người giảm mạnh 47%. Ngay cả lương thực dự trữ của chính phủ cũng chỉ ở mức tạm bợ, để nhân dân gắng gượng trong nạn thiếu lương thực.

Về công nghiệp: Sản lượng sản xuất công nghiệp giảm 32%, năm 1946 chỉ bằng ¼ so với trước chiến tranh, ngoại thương giảm 80%, 3 triệu lao động thất nghiệp, những cuộc đấu tranh của nông dân diễn ra quyết liệt. Số người thất nghiệp lên tới 3 triệu người.

Cơ sở vật chất: chỉ còn lại gần như là "một đống đổ nát", 30% dân số không có nhà ở, 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở khu vực nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước chiến tranh. 

keiretsu-p2-1-1670992757.png
Nhật hoàng Hirohito đi thăm các trường học, nhà máy, hầm mỏ để động viên dân chúng tái thiết đất nước. Ảnh: hanoimoi

Dưới chế độ quân quản của Mỹ, một loạt các chính sách dân chủ được tiến hành như ban hành hiến pháp mới, thực hiện cải cách ruộng đất, xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt và trừng phạt tội phạm chiến tranh, giải giáp các lực lượng vũ trang, ban hành các quyền tự do dân chủ. Những chính sách này đã đem đến không khí mới với các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Từ năm 1945-1950, nước Nhật bước vào thời kỳ phục hồi kinh tế, nền kinh tế phát triển chậm chạp và phụ thuộc vào kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, chỉ từ những năm 70 trở đi, kinh tế nước này phát triển mạnh mẽ.

Đi lên từ đống đổ ná

Nhận ra tầm quan trọng của việc tái thiết kinh tế, Nhật Bản muốn khẳng định lại vị trí của đất nước, muốn trở thành một siêu cường công nghiệp. Nhật Bản sẽ khôi phục danh dự của mình, không phải bằng sức mạnh quân sự, mà là bằng uy thế trong lĩnh vực kinh tế.

Các công ty được khuyến khích hợp tác hơn là cạnh tranh. Các ngân hàng được giao nhiệm vụ hỗ trợ thay vì chiếm đoạt. Lực lượng lao động được kỳ vọng không chỉ hoàn thành, mà còn vượt qua cả nhiệm vụ được giao. Các nhà điều hành khôn khéo, tài giỏi, bảo vệ các công ty thành viên,... Chính những điều này đã tạo nên văn hóa "lợi ích tập thể" của Nhật Bản. Và cũng là những yếu tố tạo nên cái tên Keiretsu hiện tại.

keiretsu-p2-1670917940.png
Sự phục hồi của Nhật Bản sau 23 năm

Trước hết, với sự tạo điều kiện của Bộ Tư lệnh tối cao cùng với nguồn hỗ trợ tài chính đặc biệt từ Hoa Kỳ, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (MITI) đã được thành lập với sứ mệnh chấn hưng nền kinh tế Nhật Bản. Thông qua hàng loạt các chính sách của MITI như tài trợ vốn, mua công nghệ phương Tây, bảo hộ thị trường nội địa và hỗ trợ xuất khẩu đã tác động một cách có "hiệu quả" đến nền kinh tế Nhật Bản:

- Từ 1952- 1973, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân thực tế của Nhật Bản ở mức cao nhất trong các nước tư bản. So với thời điểm năm 1950, năm 1973 giá trị tổng sản phẩm trong nước tăng hơn 20 lần, từ 20 tỷ USD lên 402 tỷ USD, vượt Anh, Pháp và CHLB Đức.

- Từ 1951- 1973, kinh tế Nhật Bản bước vào sự phát triển thần kỳ: Tốc độ phát triển công nghiệp thời kỳ 1950-1960 là 15,9%; từ 1960-1969 là 13,5%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng từ 4,1 tỷ USD năm 1950 lên 56,4 tỷ USD năm 1969.

- Công nghiệp đóng tàu đến những năm 1970 chiếm đến 50% tổng số tàu biển và Nhật có tới sáu trong mười nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới tư bản.

- Năm 1960, ngành công nghiệp ô tô của Nhật ghi nhận mức tăng mạnh, vươn lên đứng thứ 6 trong thế giới tư bản. Đến năm 1967, công nghiệp ô tô Nhật Bản vươn lên hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

keiretsu-p2-3-1670992757.png
Nissan Sunny thời thập niên 1960. Ảnh: wiki

Tác động của các Keiretsu - Mô hình phát triển lý tưởng

Các Keiretsu là mô hình liên kết giữa các công ty thành viên, giảm thiểu đáng kể số lượng người thất nghiệp. Bên cạnh đó, Keiretsu cũng chính là những tập đoàn đi đầu về khoa học, công nghệ hiện đại. Điển hình là Mitsubishi, Nissan,... vừa có tiền thân là các Zaibatsu, vừa có hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ, chỉ một vài năm sau đó, các Keiretsu đã giúp cho nền kinh tế Nhật Bản chuyển hướng từ nền nông nghiệp thành nền công nghiệp hiện đại và dịch vụ (Sản xuất đóng tàu, công nghiệp chất bán dẫn, ô tô, bất động sản,...). Qua đó, Keiretsu đã góp phần lớn vào việc tạo dựng lại uy thế kinh tế nước nhà mà còn cho Nhật Bản một vị thế vững chắc trong ngành khai thác khoáng sản và đóng tàu, đồng thời cũng vươn ra các ngành công nghiệp khác trên nhiều nước trên thế giới.

- Giải quyết nạn thất nghiệp: họ đã ký hợp đồng với công nhân, cho công nhân bảo hiểm và mức lương xứng đáng, họ duy trì việc thuê mướn lâu dài, đòi hỏi ở người công nhân lòng trung thành đối với công ty, đồng thời lương bổng cũng sẽ tăng theo với thâm niên làm việc. Ccáh mà các tập đoàn Keiretsu quản trị nhân sự một khéo léo như thế đã khiến cho giới công nhân trở nên một lực lượng lao động vừa hữu hiệu, vừa trung thành và tận tụy. Khi một người không còn phù hợp ở một công ty nữa, người đó sẽ được chuyển qua một công ty thành viên khác nằm trong Tập đoàn để có thể tiếp tục làm việc khác phù hợp hơn. Giảm thiểu đáng kể tình trạng thất nghiệp.

keiretsu-p2-2-1670992757.png
TV Nhật trong thời kỳ phát triển, được ví như Samsung & Apple thời nay. Ảnh: Les Chatfield

- Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chất lượng: Tương trợ, hỗ trợ nhau bằng việc chia sẻ các chính sách thâm nhập thị trường nước ngoài, cải cách chính sách đối ngoại. Các Keiretsu đã thay đổi cách mà các nhà sản xuất vẫn hay làm. Do có quan hệ giữa nhà cung ứng và sản xuất trong chuỗi liên kết, họ nhận được nguyên vật liệu sản xuất rẻ hơn, cộng vào đó là viện trợ máy móc hiện đại của Hoa Kỳ, họ làm ra được những sản phẩm chất lượng, giá rẻ. Từ đó, lấy được lòng tin của các nước Châu Á, Châu Âu và việc giao thương trở nên ổn định và tăng nhanh và hướng tới lợi ích lâu dài.

- Đảm bảo cùng phát triển: Nhật Bản đã xem xét mô hình phát triển của phương Tây, nhưng chúng lại dựa trên nguyên tắc công bằng về sự sống sót của những đơn vị khỏe nhất trong số các đơn vị độc lập. Mỗi đơn vị đều hoạt động vì lợi nhuận trước mắt, chứ không phải vì mục tiêu lâu dài. Nhìn thấy yếu điểm đó, Keiretsu đã cải chính lại mô hình. Mỗi công ty thành viên sẽ sở hữu một lượng nhỏ cổ phần của nhau, do đó thành công hoặc thất bại sẽ là của cả liên minh, chứ không phải là của riêng ai. Keiretsu cũng thúc đẩy các công ty thành viên cùng hợp tác, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh chứ không phải bài trừ nhau để đoạt lấy lợi ích trước mắt.

Thay vì các hợp đồng mua bán ngắn hạn (1 năm hoặc chỉ vỏn vẹn 30 ngày như chính sách mô hình của các nước phương Tây), các thành viên của Keiretsu ký kết hợp đồng dài hạn đến 25 năm đối với các nhà cung ứng trong chuỗi liên kết. Tính chất dài hạn của các hợp đồng bảo vệ các thành viên khỏi những cú sốc kinh doanh (chi phí tăng đột biến, hỏa hoạn, thua lỗ). Các ngân hàng trong Keiretsu cung cấp tài chính để hỗ trợ trong trường hợp kinh doanh sa sút, cũng như cho vay ưu đãi để mở rộng.

doanh-thu-cua-cac-keiretsu-1670912952.png
Doanh thu của 6 Keiretsu lớn nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Ảnh: Tokyokeizai Data Bank

- Tương trợ lẫn nhau cùng phát triển và tránh bị thôn tính

Từ thời Edo, Nhật Bản đã tăng cường vận tải hàng hóa bằng tàu, mở rộng thương mại nội địa và bắt đầu mua bán với nước ngoài. Mặc dù hoạt động mở cửa giao thương này xảy ra từ sớm khiến nền kinh tế Nhật phát triển nhanh chóng nhưng cho đến nay, nền kinh tế Nhật Bản vẫn không lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty nước ngoài.

Một số quốc gia như Mỹ cho rằng các tập đoàn Keiretsu thực hiện hoạt động kinh doanh không công bằng nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh nước ngoài. Cùng với xu hướng độc quyền, cấu trúc Keiretsu có thể hạn chế khả năng phát triển và đổi mới của nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng vào thời kỳ kinh tế gặp khó khăn, việc đảm bảo không bị thôn tính bởi các công ty nước ngoài là việc hết sức cần thiết.

keiretsu4-1670913610.png
Mạng lưới công ty của Toyota. Ảnh: wikimedia commons

- Sở hữu cổ phần chéo giữa các thành viên

Ra đời trong những năm 1960 - 1970, khi một số công ty Mỹ phát triển mạnh mẽ và trở thành những gã khổng lồ trong lĩnh vực kinh tế, các Keiretsu đã ngăn kinh tế Nhật Bản khỏi sự tiến công mạnh mẽ của nước ngoài bằng cách sáp nhập và mua lại. Các Keiretsu cho phép sở hữu cổ phần chéo với nhau (không được phép mua bán và chuyển ngượng), các công ty cấu thành nắm giữ cổ phần của nhau, làm tăng khả năng lưu động vốn trong các tập đoàn và tách ra khỏi các nhà đầu tư bên ngoài.

Ngay cả trong thế kỷ 21, cấu trúc cơ bản này vẫn được duy trì, hạn chế tính rủi ro của Keiretsu đối với ảnh hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, mặc dù kinh tế Nhật Bản tiếp tục mở cửa nhiều hơn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không thể chiếm lĩnh hoàn toàn kinh tế Nhật Bản.

Keiretsu được cho là mô hình công ty lý tưởng bởi chúng bao gồm các nhà tài phiệt, làm kinh tế dựa trên nguyên tắc tương trợ, phân cấp và công bằng có nguồn tài trợ vốn lý tưởng từ các ngân hàng. Mặc dù hiện nay Keiretsu đã bộc lộ những hạn chế nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của Keiretsu đối với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản.