Khối tài sản 6 tỷ phú đô la Việt đã thay đổi thế nào sau thời gian dịch bệnh covid-19

Hà Lam

Nếu tính tính theo giá trị cổ phiếu VIC mà doanh nhân Phạm Nhật Vượng nắm giữ, thì tài sản lên tới gần 10 tỷ USD (205.027 tỷ đồng), CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air bị giảm khối tài sản vào cuối năm 2021.

Năm 2013, lần đầu tiên có đại diện đến từ Việt Nam có mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh do tạp chí danh tiếng Forbes (Mỹ) công bố. Tỷ phú đôla này là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup. Khi được xếp vào danh sách này, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng ở vị trí 974 với tài sản 1,5 tỷ USD.

6-ty-phu-dola-cua-viet-nam-duoc-tap-chi-forbes-xep-hang-nguon-forbes-1643786919.png
6 tỷ phú đôla của Việt Nam được Tạp chí Forbes xếp hạng. Nguồn: Forbes.

Theo danh sách năm 2021, phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 5/3/2021.

Đến nay, ông Phạm Nhật Vượng đã nâng khối tài sản của mình lên 7,3 tỷ USD, giữ vị trí số 1 trong danh sách tỷ phú đô la Việt Nam, đứng thứ 344 thế giới và tăng so với năm ngoái

1. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup. Đây là lần thứ 9 ông Vượng góp mặt trong danh sách bảng xếp hạng tỷ phú thế giới, với tài sản 7,3 tỷ USD, đứng thứ 344 thế giới và tăng so với năm ngoái. 

Theo thống kê mới nhất, khối tài sản của doanh nhân 54 tuổi người Hà Tĩnh chỉ tăng nhẹ 100 triệu USD so với số liệu được Forbes công bố đầu tháng 4/2021. Tuy nhiên, nếu tính tính theo giá trị cổ phiếu VIC mà doanh nhân gốc Hà Tĩnh này nắm giữ, thì tài sản lên tới gần 10 tỷ USD (205.027 tỷ đồng).

Năm 2021, Vingroup lỗ sau thuế hơn 7.500 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do các mảng kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19; đồng thời, việc dừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện khiến phát sinh một khoản chi phí một lần. Đặc biệt, năm 2021, Vingroup đã chi tới 6.099 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

2. Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air

Đây là lần thứ 5 góp mặt của bà Thảo trong bảng xếp hạng, với tài sản 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.111 thế giới.

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air bị giảm khối tài sản vào cuối năm 2021, từ 2,8 tỷ USD xuống còn 2,5 tỷ đô. Bà Thảo là nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet Air, tập đoàn Sovico. Bà Thảo hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, doanh thu thuần Vietjet Air đạt 2.654 tỉ đồng, giảm 25% so với quý 2 và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy doanh thu xuống thấp kỷ lục, nhưng đây lại là quý mà Vietjet Air có lợi nhuận gộp lên tới 559 tỉ đồng, cao nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện.

3. Tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank

Năm 2019, lần đầu tiên tỷ phú Hồ Hùng Anh được tạp chí Forbes xếp thứ 1.349 trong danh sách tỷ phú thế giới với khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD.

Năm qua, tài sản của ông tăng so với năm 2020. Với khối tài sản 2 tỷ USD (số liệu của Forbes), ông Hồ Hùng Anh cũng là tỷ phú đô la đầu tiên của ngành ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ phú Hồ Hùng Anh chỉ trực tiếp nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu của ngân hàng Techcombank, tương đương 1,12% vốn điều lệ ngân hàng. Phần lớn tài sản của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh là hơn 240 triệu cổ phiếu MSN (tập đoàn Masan).

Đầu năm 2020, tài sản của tỉ phú này chỉ đạt 1,3 tỉ USD, đứng thứ 4 trong danh sách tỉ phú Việt Nam. Trải qua hơn một năm chịu tác động tiêu cực vì dịch COVID-19, nhưng đến nay tài sản của ông Hồ Hùng Anh được Forbes ghi nhận ở mức ấn tượng 2,6 tỉ USD. Mức tăng ấn tượng này đã đưa Chủ tịch ngân hàng Techcombank lên top 3 trong danh sách người giàu nhất Việt Nam.

4. Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát

Đầu năm 2021, tỷ phú thép sở hữu 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1444 thế giới. Kết quả trên đã giúp ông Trần Đình Long tái xuất trong bảng xếp hạng của Forbes sau lần đầu năm 2018. Đến cuối năm 2021, Chủ tịch Hòa Phát vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng của Việt Nam với tài sản 3 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với đầu năm.

HPG nằm trong nhóm bluechip dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu và giữa năm. Nhờ kết quả kinh doanh tăng đột biến, cổ phiếu của Hòa Phát(HPG) trở thành tâm điểm chú ý. Mã này tăng từ ngưỡng 31.000 đồng lên hơn 55.000 đồng vào đầu tháng 6, tiếp tục tiến gần 60.000 đồng khi công bố kết quả kinh doanh quý II. Kết quả này giúp tài sản của ông Long có thời điểm tiến gần ngưỡng 4 tỉ USD.

5. Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan

Đứng thứ 5 trong danh sách người giàu nhất Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan. Ông sở hữu 1,2 tỷ USD thời điểm được xếp hạng.

Tính đến ngày 23/12/2021, Forbes ghi nhận tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Masan ở mức 2,2 tỉ USD.

Cùng với tỉ phú Hồ Hùng Anh, ông Quang được biết đến là các doanh nhân Đông Âu thành công trong ngành tương ớt, mỳ gói, trước khi đưa công ty trở về Việt Nam và tạo dựng đế chế với Masan và Techcombank.

6. Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco

Người giàu thứ 6 ở Việt Nam là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ôtô Trường Hải (Thaco). Ông Dương hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.931 thế giới. 

Công ty Ôtô Trường Hải do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt. So với thời điểm tháng 2.2020, tài sản của tỉ phú này đã giảm khoảng 100 triệu USD.