Không chỉ mạnh tay chi 1.000 USD để mua một chiếc bát, giới nhà giàu còn hào phóng sắm đồ xa xỉ cho một đối tượng ít ai ngờ tới

Hồng Nhung

Sau đại dịch, không ít người giàu có sẵn sàng chi số tiền lên đến hàng nghìn đô để mua sắm những đồ dùng đắt đỏ cho thú cưng của mình. Nắm bắt tâm lý này, nhiều hãng đồ hiệu đã cho ra mắt sản phẩm dành riêng cho những "vị khách bốn chân".

Không chỉ mạnh tay chi 1.000 USD để mua một chiếc bát, giới nhà giàu còn hào phóng sắm đồ xa xỉ cho một đối tượng ít ai ngờ tới

 

Nhà thiết kế phụ kiện Anya Hindmarch vừa khai trương một cửa hàng tên A. Houndmarch tại quận Belgravia, London, chuyên phục vụ pa tê bò, xúc xích vịt và bánh quy. Điều ngạc nhiên là cửa hàng này phục vụ cho đối tượng khách hàng hoàn toàn mới: những chú chó.

Dịch vụ cho thú cưng giờ đây là thị trường hàng đầu, một phần nhờ vào đại dịch. Báo cáo của American Pet Products Association chỉ ra rằng, năm 2020, 30% người nuôi động vật chi tiêu nhiều hơn vào thú cưng và đồ dùng cho chúng nhiều hơn so với một năm trước.

Cũng theo báo cáo này, chỉ riêng khoảng thời gian xảy ra đại dịch đã có hơn 3,2 triệu người Anh nhận nuôi thú cưng, trên tổng số 34 triệu vật nuôi khắp cả nước.

Chăm sóc thú cưng là một trong số ít những ngành công nghiệp có thể đứng vững, nếu không muốn nói là phát triển trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Khi nhiều lao động làm việc tại nhà hơn, một số người sẽ dùng số tiền đáng ra chi tiêu cho khoản đi lại để phục vụ vật nuôi của mình. Nhiều doanh nghiệp đã phát hiện ra tiềm năng thu lợi nhuận từ xu hướng này.

Không chỉ mạnh tay chi 1.000 USD để mua một chiếc bát, giới nhà giàu còn hào phóng sắm đồ xa xỉ cho một đối tượng ít ai ngờ tới - Ảnh 2.

 

Cửa hàng phục vụ riêng cho thú cưng của Anya Hindmarch tại London. Ảnh: Anya Hindmarch

Thương hiệu xa xỉ hướng đến đối tượng “khách hàng bốn chân”

Ở A. Houndmarch, bên cạnh thức ăn cho chó, khách hàng có thể mua vòng cổ cho cún cưng trị giá 170 đô la Mỹ, túi đựng phân có giá 140 đô la và giao lưu cùng những nhà trị liệu và vẽ tranh biếm họa cho chó. Chỉ hơn 5 tuần kể từ khi khai trương, đã có hơn 3.000 chú chó và chủ nhân đến trải nghiệm dịch vụ tại cửa hàng này.

Dự án ngắn hạn của Hindmarch là tín hiệu mới nhất cho thấy cơ hội luôn sẵn có trong thị trường vật nuôi cao cấp, đặc biệt đối tượng người nuôi chó. Vô số thương hiệu đã bổ sung những BST dành riêng cho thú cưng trong vài tháng gần đây. Như BST dịp lễ 2020 của Prada, hãng đã tung ra dòng sản phẩm áo phao và áo khoác cho chó với giá từ 495 đô la Mỹ. Hay trong mùa hè 2021, Versace mở rộng BST đồ gia dụng để phục vụ thú cưng. Vài tháng sau, Hermès cải tiến BST đồ dùng vật nuôi bằng nhiều sản phẩm mới như bát ăn cho cún cưng bằng gỗ trị giá 1.100 đô la Mỹ.

 

Không chỉ mạnh tay chi 1.000 USD để mua một chiếc bát, giới nhà giàu còn hào phóng sắm đồ xa xỉ cho một đối tượng ít ai ngờ tới - Ảnh 3.

 

Chiếc bát ăn cho cún cưng trị giá 1.100 đô la Mỹ của hãng đồ hiệu Hermès. Ảnh: Hermès

Thương hiệu đồ xa xỉ cho thú cưng Pagerie vừa ra mắt BST hướng đến những chú chó và cả chủ của chúng. Mandy Madden Kelley - người sáng lập Pagerie nhận thấy việc nhiều người mặc đồ hiệu Chanel, Dior hay Prada từ đầu đến chân nhưng cún cưng họ đem theo lại chẳng có sự ăn nhập với vẻ bề ngoài sang chảnh của chủ nhân.

Chính vì vậy, thương hiệu của cô nhắm tới mục tiêu xóa bỏ sự khác biệt đó khi cung cấp những sản phẩm như túi đựng phân trị giá 150 đô la Mỹ, dây buộc thú nuôi 525 đô la Mỹ. Tất cả được đựng trong túi bọc bảo vệ cùng thẻ nhận diện chính hãng. Những vật dụng làm bằng da được sản xuất tại châu Âu, và nhà sản xuất cho Pagerie cũng chính là sự lựa chọn yêu thích của nhiều hãng đồ hiệu ở Paris.

Không chỉ mạnh tay chi 1.000 USD để mua một chiếc bát, giới nhà giàu còn hào phóng sắm đồ xa xỉ cho một đối tượng ít ai ngờ tới - Ảnh 4.

 

Sản phẩm dây buộc thú cưng của hãng Pagerie. Ảnh: @pagerieofficial/Instagram

Tháng 6 vừa qua, hãng này cho ra mắt bộ sưu tập mới nhất với 4 thiết kế: vòng cổ dây xích trị giá 280 đô la Mỹ được làm từ thép không gỉ không gây dị ứng và có bốn kích cỡ được cả người và mèo đeo trên trang web; dây buộc 585 đô la Mỹ lý tưởng để dắt chó mèo đi dạo; và một chiếc túi thắt lưng trị giá 950 đô la Mỹ cho chủ nhân.

Kristen Boesel, chuyên gia phân tích lối sống và hoạt động giải trí tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel, đã theo dõi lĩnh vực thú cưng xa xỉ trong suốt 4 năm. Cô cho biết, sự gia tăng nhu cầu chủ yếu do những người khá giả thuộc thế hệ millennials. “Khi những người này kiếm được nhiều tiền hơn trước đây, họ có thể chi tiêu vào những thứ ít có mục đích hơn”, Kristen nói.

Vì sao sản phẩm cao cấp cho chó được ưa chuộng hơn cả?

Flint Beamon, chủ thương hiệu đồ dùng cao cấp cho chó Barkin’ Creek Dog Kitchen ước tính một khẩu phần ăn cho chó của công ty mình đắt hơn khoảng 15% so với giá trung bình. Nhưng anh cho biết mặt hàng thức ăn vật nuôi cao cấp vẫn luôn có sẵn thị trường tiêu thụ.

"Chúng tôi có khách hàng từ mọi tầng lớp trong xã hội. Có cả số ít bà cụ làm công tác an sinh xã hội, người muốn đảm bảo rằng mình đang cho chú ch chihuahua 12 tuổi không răng ăn thứ gì đó mà chúng có thể ăn và yêu thích", Beamon chia sẻ.

Đúng như tên gọi, thương hiệu của Beamon tập trung vào những chú chó bởi cơ hội kinh doanh tốt hơn so với loài mèo. Việc này cũng là do lối sống khác nhau của con người với hai loài vật: “Bạn có thể đem cún cưng ra ngoài nhưng không thể làm thế với những con mèo vì chúng luôn ở nhà”.

Hindmarch cũng đồng tình với quan điểm này: "Thị trường cho chó khốc liệt hơn. Bạn có xu hướng để những con mèo ở nhà. Bạn không đi du lịch với chúng, mèo có thể bị bỏ lại vì chúng độc lập hơn rất nhiều. Chó quấn quít người chủ hơn, vậy nên mối quan hệ sâu sắc hơn. Và với sự hiểu biết về thương mại của tôi, điều đó có nghĩa là cơ hội lớn hơn".

Không chỉ mạnh tay chi 1.000 USD để mua một chiếc bát, giới nhà giàu còn hào phóng sắm đồ xa xỉ cho một đối tượng ít ai ngờ tới - Ảnh 5.

 

Những chú chó thường được chăm chút nhiều hơn vì có mối quan hệ thân thiết với chủ nhân. Ảnh: @anyahindmarch/Instagram

Theo SCMP