Triệu phú 32 tuổi nghỉ hưu sớm với 60 tỷ đồng, thừa nhận: 'Hạnh phúc chỉ vỏn vẹn 3 ngày'

Người đàn ông chợt hiểu ra rằng giàu sang chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc.

Han Jung-soo, 32 tuổi, đã làm việc tại Shinhan Card – một trong những công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu Hàn Quốc – từ năm 2018. Nhờ khả năng nắm bắt và tận dụng những biến động của thị trường tài chính toàn cầu để đầu tư, anh đã nhanh chóng tích lũy được 3,5 tỷ won (tương đương hơn 60 tỷ VNĐ). 

Với số tiền này, Han quyết định theo đuổi phong trào FIRE (Financial Independence, Retire Early – Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) để tìm kiếm hạnh phúc. Vào tháng 3/2021, ở độ tuổi ngoài 30, anh chính thức rời khỏi công việc và bắt đầu cuộc sống nghỉ hưu.

Tuy nhiên, cuộc sống sau khi nghỉ hưu không hề giống như những gì Han từng mơ ước. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Hankook Ilbo, anh chia sẻ: "Nhiều người nghĩ rằng tiền bạc có thể giải quyết mọi vấn đề, nhưng trải nghiệm của tôi lại chứng minh điều ngược lại."

Ban đầu, Han tin rằng sự giàu có sẽ mang đến cho anh hạnh phúc trọn vẹn. Anh bắt đầu thực hiện những điều mình từng mong ước – những thứ mà trước đây, với mức lương của một nhân viên văn phòng, anh không thể đạt được. Là một người yêu thích nhiếp ảnh, Han đã mua một chiếc máy ảnh Leica đắt đỏ trị giá 20 triệu won, không ngần ngại chi tiêu cho những đôi giày hàng hiệu và thưởng thức các bữa ăn tại những nhà hàng omakase sang trọng mà không cần bận tâm đến giá cả.

Thế nhưng, niềm vui ấy chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Han sớm nhận ra rằng quyết định nghỉ hưu sớm của mình không phải là lựa chọn đúng đắn, và anh bắt đầu cảm thấy hối tiếc.

photo-1742353529679

"Nó chỉ kéo dài đúng ba ngày. Tôi nhận ra rằng hạnh phúc từ vật chất rất ngắn ngủi. Khi bạn quen với nó, bạn lại cần mua thứ gì đó mới để cảm thấy vui. Nhưng theo thời gian, ngưỡng thỏa mãn ngày càng cao, khiến bạn khó cảm thấy trọn vẹn", anh tâm sự.

Thay vì coi tiền chỉ là công cụ để mua sắm, Han bắt đầu nhìn nhận nó như một phương tiện giúp anh bảo vệ những giá trị vô hình, chẳng hạn như thời gian. Sau đó, anh quyết định quay trở lại với công việc. Vị triệu phú trẻ đã thành lập một công ty sản xuất phim truyền hình mang tên Yeondu Company.

Quyết định này bắt nguồn từ ước mơ từ lâu của anh là trở thành một đạo diễn phim và truyền hình. "Tôi nhận ra rằng công việc và hạnh phúc không phải lúc nào cũng đối lập nhau. Làm việc không chỉ đơn thuần là để kiếm tiền. Tham gia phong trào FIRE đã khiến tôi suy nghĩ sâu sắc hơn về ý nghĩa thực sự của công việc", anh chia sẻ.

Han cũng nhận thấy một điểm chung giữa những người trẻ giàu có mà anh từng gặp: tất cả họ đều tiếp tục làm việc. Anh điều hành một cộng đồng đầu tư dành cho những người sinh vào thập niên 1980 và 1990, yêu cầu tài sản tối thiểu 3 tỷ won để trở thành thành viên. Mặc dù có thể sống một cuộc đời hưởng thụ, không ai trong số họ lựa chọn điều đó.

"Có nhiều tiền không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có một kết thúc hạnh phúc. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Một số người quá ám ảnh với việc tích lũy tài sản đến mức đánh đổi cả sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân. Nhưng khi đạt được tự do tài chính, họ lại cảm thấy bị lừa dối. Họ nghĩ rằng tiền sẽ mang đến hạnh phúc tột đỉnh, nhưng thực tế không phải vậy. Một số người thậm chí còn nghĩ rằng họ cần kiếm nhiều tiền hơn nữa, và điều đó đẩy họ vào một vòng lặp bất hạnh", anh nhận định.

photo-1742353408243

Câu chuyện của Han là một bài học sâu sắc về việc hạnh phúc thực sự không phụ thuộc vào số tiền bạn sở hữu, mà nằm ở cách bạn sống và trải nghiệm cuộc đời. Đừng để tiền bạc trở thành thứ điều khiển cuộc sống của bạn, mà hãy coi nó như một phương tiện giúp bạn hiện thực hóa những ước mơ và mục tiêu cá nhân.

Han cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình thông qua việc viết và xuất bản sách. Trong cuốn sách của mình, anh không định nghĩa độc lập tài chính một cách đơn giản là có đủ tiền để không phải làm việc nữa. Thay vào đó, anh khuyến khích mọi người "theo đuổi sự giàu có mà không để bản thân trở thành nô lệ của đồng tiền".

"Tiền bạc chỉ là công cụ để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc, và không ai nên đánh đổi những mục tiêu cá nhân chỉ để chạy theo nó. Tôi hy vọng rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp mọi người không bị tiền bạc chi phối, mà thay vào đó, tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong hành trình kiếm tiền của mình", Han chia sẻ.

Thùy Linh (*Nguồn: Daum, Chosun, Korea Times)