![]() |
Thuế nhập khẩu 10% làm giá mỗi chiếc đồng hồ nhập vào Mỹ tăng cao. Ảnh: Hodinkee. |
Rolex, thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ đứng đầu về doanh số, sẽ tăng giá bán tại Mỹ từ ngày 1/5. Nguyên nhân là do Mỹ vừa áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Thụy Sĩ. Theo trang Hodinkee, mức tăng giá trung bình sẽ vào khoảng 3%.
Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Mỹ áp mức thuế 10% lên hầu hết hàng hóa Thụy Sĩ, trong đó có đồng hồ.
Ban đầu, Nhà Trắng từng dự định đánh thuế 31%. Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính, chính phủ đã hoãn việc áp mức thuế cao này trong vòng 90 ngày. Hiện tại, mức thuế 10% vẫn đang được duy trì, trong khi các quan chức thương mại Thụy Sĩ và Mỹ đang tiếp tục đàm phán.
Phía Rolex tại Geneva (Thụy Sĩ) chưa đưa ra bình luận về việc điều chỉnh giá bán tại Mỹ.
Việc tăng giá lần này gây nhiều chú ý vì Mỹ đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Rolex. Thương hiệu này mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu chiếc đồng hồ và luôn giữ vững vị trí số 1 về doanh số tại Mỹ.
![]() |
Submariner, Daytona và GMT-Master II, mẫu đồng hồ luôn 'cháy hàng' được các chuyên gia dự đoán sẽ còn tăng giá và trở nên khan hiếm hơn nữa. Ảnh: Rolex. |
Ngay từ đầu năm, vào ngày 1/1, Rolex đã điều chỉnh giá mạnh đối với các mẫu đồng hồ vàng, nhanh hơn nhiều so với các mẫu vỏ thép, khi giá vàng đang dao động quanh mức 2.600 USD. Đến tháng 2, trước sự kiện Watches & Wonders, giá đồng hồ Rolex tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,2%. Một số bộ sưu tập nổi bật, như Air-King và Daytona, đã có mức tăng mạnh hơn, lần lượt là 1% và 0,8%.
Mức giá cao này đã khiến không ít khách hàng, dù có khả năng tài chính, phải suy nghĩ lại trước khi quyết định mua. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn, lạm phát và lãi suất cao, người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn khi chi tiêu vào các sản phẩm xa xỉ.
Bên cạnh việc điều chỉnh giá bán, các đại lý ủy quyền của Rolex tại Mỹ còn nhận thông báo giảm 1% mức chiết khấu lợi nhuận, chỉ còn 33% trên mỗi chiếc đồng hồ bán ra, theo thông tin từ Watch Pro. Các chuyên gia nhận định rằng chiến lược này giúp Rolex duy trì hình ảnh thương hiệu cao cấp và đảm bảo hiệu quả tài chính trong giai đoạn khó khăn.
Không chỉ riêng Rolex, các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ khác cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu và sự mạnh lên của đồng franc Thụy Sĩ so với USD, khiến họ cũng sẽ điều chỉnh giá trong thời gian tới.
Cùng thời điểm này, Omega dự kiến sẽ tăng giá trung bình 5% tại Mỹ. Đây là một trong năm thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ hàng đầu về doanh số, với các dòng Speedmaster và Seamaster nổi bật, theo báo cáo của tập đoàn tài chính Vontobel.
![]() |
Mỹ là thị trường lớn nhất tiêu thụ đồng hồ Thụy Sĩ trên toàn cầu, với giá trị nhập khẩu lên tới 4,4 tỷ CHF trong năm 2024. Ảnh minh họa. |
Trước đó, tập đoàn mẹ Swatch Group AG, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Omega, Blancpain và Glashütte Original, đã thông báo sẽ tăng giá bán lẻ từ 8% đến 10% cho một số sản phẩm. Quyết định này nhằm bù đắp chi phí do thuế nhập khẩu và sự suy yếu của đồng USD.
Theo Swatch Group, việc điều chỉnh giá xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, đồng USD đã mất giá gần 8% so với đồng CHF chỉ trong vòng 4 tuần qua, gây ra sự biến động tỷ giá lớn. Thứ hai, mức thuế nhập khẩu hiện tại là 10%, cao hơn nhiều so với mức thuế 3% trước đó.
Các chuyên gia dự đoán rằng đợt tăng giá này có thể chỉ là bước đầu tiên trong một loạt điều chỉnh giá nếu tình hình thị trường tiền tệ và chính sách thương mại không ổn định trở lại.
Trong bối cảnh này, người tiêu dùng nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, đặc biệt nếu họ có kế hoạch đầu tư vào hoặc sưu tầm các mẫu đồng hồ cao cấp trong tương lai.