
Giữa bối cảnh chính trường Mỹ ngày càng chia rẽ sâu sắc, một bộ phận giới siêu giàu đang âm thầm chuẩn bị cho những viễn cảnh đen tối bằng cách đầu tư vào các boongke cao cấp. Nỗi lo về sự hỗn loạn xã hội, thậm chí là nguy cơ nội chiến, đã gia tăng đáng kể kể từ sau vụ ám sát bất thành nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7/2024. Kể từ thời điểm đó, lượng khách hàng tìm đến Atlas Survival Shelters – công ty chuyên sản xuất boongke “ngày tận thế” đã tăng mạnh. Theo Giám đốc điều hành Ron Hubbard, xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại tính đến tháng 4/2025, cho thấy tâm lý bất an vẫn hiện diện rõ rệt trong xã hội Mỹ.
Không chỉ đơn thuần là nơi trú ẩn, các boongke do Atlas sản xuất còn được thiết kế như những không gian sống tiện nghi và đẳng cấp. Chúng được trang bị cửa chống đạn, hệ thống lọc không khí khép kín, ống dẫn khí siêu bền và phòng khử khuẩn. Nội thất bên trong được chăm chút kỹ lưỡng với mặt bàn đá granite, sàn gỗ sồi, và những mẫu boongke cao cấp – có giá lên đến 200.000 USD – còn tích hợp cả đường hầm thoát hiểm. Bước sang đầu năm 2025, doanh số của công ty đã tăng gấp ba lần so với thời kỳ hậu Covid-19 và làn sóng biểu tình năm 2020, phản ánh rõ xu hướng ngày càng mạnh mẽ: tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối giữa thời đại bất ổn.

Phòng chiếu phim nằm trong một hầm trú ẩn cao cấp. (Nguồn: CNN)

Lối vào của Survival Condo tại Kansas. Ảnh: Cnet
Bên cạnh những lựa chọn đắt đỏ, một số doanh nghiệp như Vivos Group tại California đang cung cấp giải pháp thực tế hơn với các boongke cho thuê ở Nam Dakota và Indiana. Tại Nam Dakota, công ty sở hữu khoảng 600 boongke làm từ bê tông cốt thép, mỗi căn rộng 8x24 mét. Chi phí ban đầu để sở hữu quyền sử dụng là 55.000 USD, cộng thêm khoản phí thuê hàng năm khoảng 1.091 USD. Người thuê có thể thiết kế lại nội thất theo nhu cầu, từ phòng ngủ đến phòng gym, với lời quảng bá hấp dẫn là “môi trường sinh tồn đẳng cấp 5 sao”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đặt niềm tin vào những nơi trú ẩn dưới lòng đất. Scott Hunt – chuyên gia tư vấn của chương trình "Chuẩn bị cho ngày tận thế" phát sóng trên kênh National Geographic cảnh báo rằng việc bảo trì và duy trì điều kiện sống trong lòng đất là một thách thức không hề nhỏ. Trái lại, một bộ phận người giàu lại chọn phương án “tạm thời di dời”, tìm nơi trú ẩn ở nước ngoài. Các văn phòng môi giới bất động sản quốc tế tại Mỹ ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng khách hàng Mỹ quan tâm đến nhà ở tại nước ngoài, cũng như tìm cách đầu tư hàng triệu USD để sở hữu quốc tịch thứ hai kể từ đầu năm 2025.
Dẫu vậy, phần lớn trong số họ chỉ coi đây như một biện pháp phòng ngừa, giống như một loại “bảo hiểm” trong trường hợp xấu nhất – chứ không thực sự có ý định rời bỏ nước Mỹ mãi mãi. Họ vẫn hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng đến phương án dự phòng này.