Sai lầm chiến lược và vòng xoáy pháp lý
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được khởi công từ năm 2010, nằm ở vị trí đắc địa trên đường Vành đai 3, cạnh tòa tháp Keangnam. Công trình dự kiến cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng vốn đầu tư hơn 2.743 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện phần thô vào năm 2015, dự án bất ngờ "đắp chiếu", không thể tiếp tục triển khai.
Nguyên nhân chính được xác định là do những dự báo sai lệch về giá thuê văn phòng. Mức giá dự kiến 45-50 USD/m²/tháng trong khi thực tế thời điểm đó chỉ khoảng 28 USD/m²/tháng, khiến bài toán tài chính mất cân đối, không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Thêm vào đó, theo chủ trương chung, doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào bất động sản ngoài ngành, đẩy dự án vào thế khó.
Cùng lúc đó, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính của Vicem, đặc biệt là tại dự án này. Hồi đầu tháng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố 4 cựu lãnh đạo Vicem với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Những người bị khởi tố bao gồm ông Lê Văn Chung (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên), ông Nguyễn Ngọc Anh (nguyên Tổng Giám đốc), ông Dư Ngọc Long (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án) và ông Hoàng Ngọc Hiếu (nguyên Trưởng phòng Thẩm định). Trong đó, ba người bị tạm giam, riêng ông Nguyễn Ngọc Anh được tại ngoại.
Loay hoay tìm lối thoát: Bán không được, tái khởi động gặp khó
Từng có thời điểm Vicem xin chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn đầu tư. Năm 2017, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương này, nhưng do vướng mắc pháp lý về đất đai, tài sản nhà nước cùng với thị trường bất động sản kém sôi động, việc sang nhượng không thành.
Không thể bán, Vicem quay lại phương án tiếp tục triển khai dự án. Đến năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Xây dựng cùng UBND TP Hà Nội chỉ đạo Vicem tái khởi động dự án theo quy định.
Ngày 5/3/2025, sau nhiều năm bị bỏ hoang, các nhà thầu đã chính thức thi công trở lại. Theo kế hoạch, Vicem đặt mục tiêu hoàn thiện công trình vào quý II/2026 và đưa vào sử dụng trong quý IV cùng năm. Một phần diện tích dự kiến sẽ được cho thuê để tối ưu công năng và tạo nguồn thu duy trì hoạt động.
Đáng chú ý, tổng mức đầu tư của dự án sau khi rà soát đã giảm 516 tỷ đồng, xuống còn hơn 2.227 tỷ đồng so với con số ban đầu. Đây được xem là một động thái nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tương lai nào cho tòa tháp nghìn tỷ?
Từng là niềm tự hào của Vicem nhưng rồi lại bị lãng quên suốt một thập kỷ, số phận tòa tháp nghìn tỷ này vẫn là dấu hỏi lớn. Dù đã tái khởi động, nhưng liệu dự án có thực sự "hồi sinh" hay lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của những sai lầm trước đây?
Với thị trường bất động sản văn phòng vẫn còn nhiều biến động, bài toán kinh tế của Vicem cần phải được tính toán chặt chẽ hơn bao giờ hết để tránh lặp lại vết xe đổ của quá khứ.