![]() |
Giới trẻ Trung Quốc đến các home bar để thư giãn và trò chuyện thoải mái, cảm giác như đang ở nhà. Ảnh: Xiaohongshu. |
Vào một buổi tối xuân mát mẻ tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hơn 60 người trẻ đã tụ họp tại KO Home Bar, quán bar tại gia đầu tiên ở thành phố này, để kỷ niệm một năm hoạt động. Trong không gian phòng khách ấm cúng với cửa kính lớn nhìn ra trung tâm thương mại, khách ngồi thư giãn trên ghế sofa và ghế lười, vừa nhấm nháp cocktail vừa trò chuyện về âm nhạc, công việc và cuộc sống.
KK Zhang, đồng sáng lập KO, đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này bằng cách trang trí với tượng hoa, băng ghế cỏ và phục vụ khách những ly cocktail đi kèm bánh ngọt.
Theo Jing Daily, "home bar" hay "quán bar tại gia" là mô hình tận dụng một phần hoặc toàn bộ không gian của ngôi nhà để tổ chức các buổi gặp gỡ nhỏ, mở cửa đón khách lạ với mức phí dao động từ 100–300 NDT (khoảng 14–41 USD).
Với giờ mở cửa thường từ 19h đến 2h sáng, khách có thể thưởng thức đồ uống không giới hạn và tham gia các hoạt động. Khác với các quán bar ồn ào, mô hình này mang lại không khí thân mật, gần gũi, đặc biệt thu hút những người hướng nội.
Không gian "chữa lành"
Mô hình quán bar tại gia lần đầu xuất hiện tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối năm 2023 và nhanh chóng trở nên phổ biến, lan rộng ra Bắc Kinh. Chỉ trong vài tháng, số lượng quán đã đạt đến hàng trăm. Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, hashtag #homebar đã thu hút hơn 62 triệu lượt xem và 482.000 bài đăng.
KO được thành lập khi Zhang gặp khó khăn trong việc kinh doanh thời trang trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Sau khi biết đến xu hướng home bar từ Thượng Hải vào đầu năm 2024, Zhang đã đăng một bài tìm kiếm đối tác trên Xiaohongshu. Ngay lập tức, một người bạn cũ và một người lạ đã liên lạc. Chỉ trong vòng một tuần, cô tìm được một căn hộ tại khu vực đông đúc, trang trí theo phong cách “dopamine” (xu hướng thiết kế nhằm tạo ra cảm giác vui vẻ, hạnh phúc), sắm sửa dụng cụ pha chế và nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh.
Chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 100.000 NDT (13.700 USD), nhưng lợi nhuận thu về lại không quá lớn.
![]() |
Khách đến home bar có thể ngồi chung và tham gia các trò chơi cùng nhau. Ảnh: KO Home Bar/Xiaohongshu. |
Từ 20h, Zhang đảm nhận vai trò bartender tại KO, không chỉ pha chế đồ uống mà còn dẫn dắt các trò chơi và hoạt động thú vị dành cho khách tham gia.
Khách hàng chủ yếu của quán là những người thuộc thế hệ 1995-2005, phần lớn là nhân viên văn phòng làm việc ở các tòa nhà xung quanh home bar. Bên cạnh đó, KO còn thu hút nhiều biên tập viên, nghệ sĩ và freelancer đến từ khắp các khu vực của Bắc Kinh.
Jia Yu, một cô gái sinh vào đầu những năm 2000 và hiện đang du học tại Mỹ, chia sẻ rằng cô từng ghé thăm KO mỗi ba tuần một lần, thường là một mình. "Mỗi lần đến đây, tôi lại gặp gỡ những người bạn mới. Chúng tôi đều cảm thấy cô đơn, lo âu, nhưng dần dần đã trở thành bạn bè. KO cho tôi cảm giác thân thuộc, như là trở về nhà," Yu tâm sự.
Liều thuốc cho "thế hệ cô đơn"
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhận thấy sự cô đơn và căng thẳng đang ngày càng gia tăng trong giới trẻ, Tian Xia (Trung Quốc) đã nảy sinh ý tưởng xây dựng một không gian nơi những người trẻ có thể tụ họp, uống rượu và trò chuyện.
Cô bắt đầu thuê một studio nhỏ, trang bị máy làm đá, máy chiếu, rồi đăng bài tìm khách trên Xiaohongshu. Kết quả bất ngờ là quán nhanh chóng thu hút đông đảo khách đến hơn cả mong đợi.
Tại quán của Tian Xia, khách chỉ cần bỏ ra 30 NDT (khoảng 4 USD) cho một ly cocktail để tham gia vào các hoạt động như xem phim, thảo luận sách, chơi Jubensha (trò chơi nhập vai phá án) hay đơn giản là trò chuyện.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, Tian Xia đã quyết định chia tay không gian bar nhỏ bé này khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch và cô nhận được công việc mới tại Thượng Hải.
![]() ![]() |
Không gian của home bar được thiết kế giống như một quán bar nhỏ. Ảnh: KO Home Bar/Xiaohongshu. |
Áp lực kinh tế và chi phí duy trì các mối quan hệ trong môi trường đô thị lớn đã thúc đẩy sự phát triển của các mô hình giải trí mới mẻ, trong đó có home bar.
Theo dữ liệu từ Tổng điều tra dân số Trung Quốc năm 2020, hơn 125 triệu hộ gia đình ở nước này chỉ có một người sinh sống, chiếm hơn một phần tư tổng số hộ dân. Đến năm 2023, số người độc thân tại Trung Quốc đã lên tới 240 triệu người, tạo nền tảng vững chắc cho sự bùng nổ của "kinh tế cô đơn."
Kết quả khảo sát McKinsey China Consumer Survey 2024 chỉ ra rằng thế hệ Gen Z tại các thành phố lớn đang chi mạnh tay hơn cho các hoạt động giúp họ kết nối tinh thần. Trong đó, cocktail và các đồ uống có cồn nhẹ trở thành sự lựa chọn phổ biến tại các tụ điểm như home bar, theo nghiên cứu của Houlang Research Institute năm 2024.
Tại KO, Jia Yu cho rằng nơi này giống như "sự kết hợp giữa không gian gia đình và quán bar", mang đến cảm giác an toàn và thoải mái cho khách hàng. Một số cộng đồng như Tiaohai Village ở Bắc Kinh còn phát hành sổ tay hướng dẫn phòng chống quấy rối tại các quán bar.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này vẫn đối mặt với không ít khó khăn, khi nhiều home bar phải đóng cửa vì các hạn chế pháp lý hoặc do thiếu sự đổi mới sáng tạo trong mô hình.
"Chất lượng trải nghiệm phụ thuộc rất lớn vào sự duyên dáng và khả năng sáng tạo của chủ quán", Tian Xia chia sẻ.
Zhang cũng thừa nhận rằng thị trường ngách này đang trở nên ngày càng cạnh tranh, và việc mang đến những trải nghiệm thực sự kết nối, thoải mái như ở nhà là một thử thách không nhỏ.